Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về lĩnh vực môi trường, đến năm 2030 tỉnh đặt ra mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 99%, tại khu vực nông thôn đạt 95%; chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt 60%; tỷ lệ nước thải các khu, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% đối với đô thị, đạt 80% đối với nông thôn.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), đây là mục tiêu khó nhưng có căn cứ để thực hiện. Bình Dương đã có các dự án bảo vệ môi trường quy mô lớn được đưa vào hoạt động cũng sử dụng nguồn vốn vay như Nhà máy nước TP.Dĩ An do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ vốn, Nhà máy nước Thành phố mới Bình Dương do Hà Lan và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tài trợ vốn. Mới đây, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Sở Giao dịch II đã ký kết thỏa thuận vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, theo đó sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được VDB - Sở Giao dịch II cho vay với lãi suất ưu đãi cho các dự án bảo vệ môi trường do Biwase làm chủ đầu tư.
Hiện Biwase đã hoàn thành đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 87.000m3/ ngày/đêm tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Tân Uyên nhằm bảo đảm thu gom xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt của người dân. Nước thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được xử lý bằng công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường. Với hệ thống cung cấp nước sạch, thu gom rác, thu gom nước thải sinh hoạt phát triển đồng bộ, hiện đại bậc nhất trên toàn quốc, Biwase đã và đang là ngọn cờ đi đầu của tỉnh Bình Dương trong việc bảo đảm hệ thống xử lý rác, cung cấp nước sạch luôn theo kịp với khu công nghiệp, khu dân cư, bảo đảm cho doanh nghiệp, người dân sinh sống ổn định và yên tâm phát triển kinh tế. Cùng với đó, Biwase cũng nỗ lực thực hiện các chương trình chung của Bình Dương trong đầu tư các dự án xử lý, thu gom nước thải, rác thải tại các địa phương trong tỉnh.
Bình Dương cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
KHẢI ANH