Cựu Hoàng hậu Sheikha Mozah, “Công nương Diana” của Qatar

Cập nhật: 21-07-2015 | 15:39:45

Mặc dù không còn nắm quyền hành trong vương triều kể từ khi chồng bà - Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani - thoái vị cách đây 2 năm, cựu Hoàng hậu Sheikha Mozah vẫn được xem là gương mặt tiêu biểu cho Vương quốc Qatar trên trường quốc tế.

Động lực phát triển của Qatar

Cựu Hoàng hậu Qatar Mozah bint Nasser al-Missned năm nay 56 tuổi, là người vợ thứ hai trong 3 người vợ của cựu vương Hamad bin Khalifa al-Thani. Nhưng chính Sheikha Mozah lại được mọi người xem là Đệ nhất phu nhân, hay Hoàng hậu chính thức của Qatar do bà hoạt động mạnh mẽ bên cạnh Quốc vương, không chỉ là động lực bên trong hậu trường tác động lên các chính sách đối nội và đối ngoại của Quốc vương mà còn là một gương mặt tiêu biểu cho Qatar trên trường quốc tế.

Báo chí quốc tế đánh giá Sheikha Mozah là người phụ nữ xuất hiện trước công chúng nhiều nhất ở khu vực Trung Đông trong suốt thời gian Quốc vương Hamad bin Khalifa al-Thani còn tại vị. Bà đã từng tháp tùng bên cạnh quân vương công du khắp các quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Anh, Pháp cho đến những vùng lãnh thổ nhỏ bé như Dải Gaza.

Sheikha Mozah được báo giới mô tả là một phụ nữ thanh lịch, với vẻ bề ngoài hấp dẫn, pha trộn giữa phong cách hiện đại phương Tây với nét nhạy cảm truyền thống Arập. Bà là một gương mặt tươi sáng cho một vương triều cầm quyền bảo thủ sâu sắc. Trong các chuyến công du nước ngoài bên cạnh chồng, Sheikha Mozah được xem là người thủ vai "quyền lực mềm", từng ngồi cạnh Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Nếu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama được đánh giá là người tạo hứng cho giới thiết kế thời trang, thì Sheikha Mozah cũng không kém cạnh. Phong cách thời trang của bà là một sự kết hợp, lồng ghép các yếu tố thời trang hiện đại vào những khái niệm khiêm tốn truyền thống Arập, một sự pha trộn giữa Đông và Tây tạo nên sự hấp dẫn độc đáo.

Ảnh hưởng của Sheikha Mozah trong phần lớn chính sách đối nội và đối ngoại của Qatar là không thể chối cãi. Thần dân Qatar xem bà như một động lực đằng sau sự đổi mới nhanh chóng đưa cuộc sống ở Qatar trở nên sung túc và hiện đại như ngày nay. Đồng thời, những bước chuyển mình lớn lao đó đã tạo cho Qatar một thế đứng mới trong khu vực và trên thế giới.

Sheikha Mozah cùng chồng - Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani khi còn tại vị, năm 2011.

Khó có thể nói rằng Sheikha Mozah đóng vai trò trực tiếp trong bàn cờ chính trị khu vực, nhưng mọi người vẫn xem bà là thế lực tác động đằng sau các quyết sách đối nội, đối ngoại của Sheikh Hamad. Chính bà đã thuyết phục chồng đưa ra các quyết định tài trợ cho phong trào Hamas của Palestine và các nhóm phiến quân Hồi giáo ở Libya và Syria, và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, trong khi vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, vốn xem Hamas là một tổ chức khủng bố.

Trên trang Web cá nhân, Sheikha Mozah vận động mạnh mẽ cho việc "xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn giữa thế giới Hồi giáo với phương Tây".

Qatar là một xã hội phân chia theo bộ tộc. Sheikha Mozah là con cháu của bộ tộc al-Missned. Cha bà là một đối thủ kình chống Sheikh Khalifa bin Hamad bin Abdullah al-Thani, cha chồng của bà, tức ông nội của Quốc vương hiện tại. Sự kình chống đó đã khiến cho gia đình bà phải sống lưu vong một thời gian ở Ai Cập và Kuwait đến năm 1977 mới quay về nước để bà làm đám cưới với Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, trở thành người vợ thứ hai của ông. Khi đó bà mới 18 tuổi, đang theo học ngành xã hội học tại Đại học Qatar. Hai thập niên sau đó, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani làm đảo chính êm thấm trong Hoàng cung, soán ngôi vua cha và trở thành Quốc vương.

Cuộc soán ngôi của Hamad nếu nhìn ở góc độ nào đó có thể xem là bước ngoặt đưa Qatar đến thời kỳ phát triển mới, bắt đầu thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế. Hamad thành lập ra kênh truyền hình Arập mang tên Al Jazeera, một kênh tin tức giàu ảnh hưởng bậc nhất hiện nay ở khu vực Trung Đông, và ông cũng bắt đầu định vị lại Qatar như một thành viên chủ chốt của khu vực, và một nhà đầu tư lớn toàn cầu. Với tiềm lực mạnh nhờ trữ lượng dầu mỏ dồi dào, Qatar bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng ra khắp khu vực.

Chiến dịch "quyền lực mềm"

Trước công chúng, bà tập trung đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Trong nước, bà là người đi đầu trong việc mở rộng giáo dục đại học, đứng ra sáng lập khu giáo dục mang tên Education City rộng 1.000 hecta nằm ở ngoại ô thủ đô Doha, nơi đặt các chi nhánh trường đại học lớn của nước ngoài, trong đó có các trường đại học lớn của Mỹ.

Trên trường quốc tế, bà phát động chiến dịch "Giáo dục cho mọi người" (Education For All) với mục tiêu đưa 10 triệu trẻ em trên toàn thế giới đến trường. Kinh phí cho chiến dịch này ước tính khoảng 1 tỉ USD, trong đó Qatar cung cấp 1/3. Việc Qatar dành khoảng một nửa số tiền tài trợ cho nước ngoài hướng vào lĩnh vực giáo dục.

Giới phân tích đánh giá chiến dịch đầu tư, tài trợ giáo dục toàn cầu của Qatar, với sự phục vụ đắc lực của Sheikha Mozah, là một chiến dịch "quyền lực mềm", mặc dù Sheikha Mozah bác bỏ quan điểm đó.

Năm 2013, Quốc vương Hamad bin Khalifa al-Thani thoái vị, truyền ngôi lại cho con trai là Sheikh Tamin bin Hamad al-Thani. Mặc dù không còn ở ngôi vị Hoàng hậu, nhưng tầm ảnh hưởng của Sheikha Mozah vẫn không ngừng được mở rộng, tuy không còn ở trong phạm vi chính trị quốc gia nhiều như trước.

Thông qua hoạt động của Tổ chức Qatar Foundation, bà luôn là gương mặt tiêu biểu đại diện cho Qatar trong các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, từ Hàn Quốc cho đến Brazil. Qatar Foundation là một tổ chức khuyến học, khuyến tài, có nguồn quỹ hoạt động hàng tỉ USD, chuyên khuyến khích tài năng trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và phát triển cộng đồng.

Người ta so sánh Sheikha Mozah có một số điểm tương đồng với cố Công nương Diana của Vương quốc Anh: Bà cũng đi thăm các trại tị nạn, cũng là mẹ của một vị vua tương lai, và bây giờ bà đang sở hữu một khu biệt thự lớn ở một trong những khu phố sang trọng bậc nhất London, khu Cornwall Terrace nhìn xuống Công viên Regent, cách không xa Thánh đường Hồi giáo trung tâm London. Khu dinh thự gồm 3 căn biệt thự khác nhau theo phong cách kiến trúc Hy-La được bà mua lại với giá 120 triệu bảng (khoảng 200 triệu USD) và xây dựng lại thành một khu dinh thự chung làm nơi ở cho con trai bà, Quốc vương đương nhiệm Sheikh Tamin bin Hamad al-Thani.

Cho dù đi đến đâu, các trại tị nạn ở Kenya hay khu Cornwall Terrace ở London, bà cũng đều được xem là một gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ Qatar, cũng phục vụ hết mình cho dòng họ al-Thani trị vì đất nước Qatar.

Vợ chồng Tony và Cherie Blair khi còn đương chức tiếp kiến Quốc vương Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani và Hoàng hậu Mozah tại Số 10 phố Downing.

Trong các thư điện tử của bà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố có những thư được gửi vào năm 2009 tiết lộ về việc cựu Đệ nhất phu nhân Anh Cherie Blair đã "vận động hành lang" Ngoại trưởng Hillary Clinton để dàn xếp một cuộc hội kiến giữa Hoàng hậu Mozah với bà Ngoại trưởng Mỹ. Các thư điện tử cho thấy vào thời điểm đó bà Cherie Blair là một người bạn khá thân của Hoàng hậu Mozah, cho nên bà đã hết sức vận động để dàn xếp cho bằng được cuộc tiếp xúc được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Hoàng hậu Mozah.

Thư đầu tiên bà Cherie gửi cho bà Hillary đề ngày 13/5/2009 có đề cập mối quan tâm chung giữa bà và Hoàng hậu Mozah là hoạt động từ thiện, cụ thể hơn, những vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Bà Cherie viết, Hoàng hậu Mozah đã trực tiếp tiếp xúc với bà và đặt vấn đề rằng Qatar muốn mối quan hệ với Mỹ tiến triển thao chiều hướng tích cực hơn, và Hoàng hậu muốn có một cuộc tiếp xúc riêng tư giữa "phụ nữ với nhau".

Bà Cherie viết tiếp, Hoàng hậu Mozah tha thiết muốn đến Washington nếu bà Hillary sắp xếp được thời gian. Tại sao Hoàng hậu Mozah phải cậy nhờ bà Cherie tạo nhịp cầu giao tiếp với bà Ngoại trưởng Mỹ trong khi mối quan hệ giữa hai quốc gia đang được đánh giá là tốt?

Có vẻ như vấn đề không chỉ đơn thuần là tạo mối quan hệ tốt, mà chính là ở chỗ Qatar đang muốn tạo dựng vị thế quốc tế của mình. Như trên đã nói, kể từ khi Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani lên nắm quyền trị vì, ông đã thực hiện một cuộc cải cách lớn nhằm đưa đất nước Qatar phát triển mạnh theo hướng hiện đại, vươn tầm ra thế giới, tăng cường vai trò của mình trên trường quốc tế nhằm cạnh tranh vị thế cường quốc với các quốc gia khác trong khu vực.

Thời điểm này, ông Obama vừa lên làm Tổng thống Mỹ và triển khai chính sách đối thoại thay cho đối đầu, trong đó Iran là một trong những đối tượng được Mỹ đưa vào diện đối thoại, lôi kéo để giải quyết các vấn đề khác biệt tồn tại giữa hai bên, cũng như để giải quyết dứt điểm tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Nắm lấy cơ hội này, Qatar muốn đóng vai trò làm cầu nối giữa Iran với Mỹ và phương Tây nói chung. Kế hoạch chung của Qatar bao gồm cả việc ủng hộ ngoại giao đối với phong trào Hamas ở Dải Gaza trong tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine, nhằm tạo nên thế mạnh cho phía Palestine.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - chồng bà Cherie - lại đang làm đặc sứ của "bộ tứ" (gồm LHQ, EU, Nga, Mỹ) về hòa bình Trung Đông. Về khía cạnh này, việc bà Cherie "vận động hành lang" cho cuộc tiếp xúc riêng giữa Hoàng hậu Mozah và bà Clinton là một hành động không phù hợp đường lối của Mỹ vốn ủng hộ Israel nhiều hơn. Mặc dù vậy, bà Hillary vẫn nhận lời "mai mối" của bà Cherie. Kết quả mai mối là cuộc gặp riêng giữa bà Hillary và Hoàng hậu Mozah vào tháng 9/2009.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao bà Cherie - thời điểm năm 2009 không còn là Đệ nhất phu nhân nữa nhưng vẫn tích cực "vận động hành lang" giúp cho Hoàng hậu Mozah? Một mặt, mối quan hệ thân quen giữa hai bà phát triển được vài năm, còn một khía cạnh khác khá phổ biến là gia đình quyền thế của Hoàng hậu Mozah đang nắm giữ nhều tài sản lớn ở London.

Ngoài khu dinh thự rộng hàng ngàn mét vuông ở khu Cornwall Terrace nhìn xuống Công viên Regent, như phần trên đã nói, gia đình al-Thani còn sở hữu làng Olympic, tòa nhà Đại sứ quán Mỹ cũ ở Quảng trường Grosvenor, một tài sản ở Công viên Hyde, 8% giá trị của Công ty Thị trường Chứng khoán London, một tỉ lệ cổ phần đáng kể trong Ngân hàng Barclays và 25% cổ phần chuỗi cửa hàng bách hóa danh tiếng Sainsbury's.

Ngoài ra, còn một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa, đó là gia tộc al-Thani là những người đóng góp không nhỏ cho quỹ hoạt động của các tổ chức từ thiện của cả hai bà Hillary và Cherie (Tony Blair Faith Foundation và Clinton Foundation). Cho nên có thể nói đây cũng là lý đáng để bà Cherie hết mình vận động hành lang cho Hoàng hậu Mozah.

Theo ANTG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2030
Quay lên trên