Lần đầu tiên các y, bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cấy dưới da cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới được các bác sĩ thực hiện dưới sự hỗ trợ, chuyển giao của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh
Trước đó bệnh nhân L.T.C., 69 tuổi nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, ngưng tim từng lúc. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp tim chậm và chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cấy dưới da. Nếu không thực hiện cấy máy kịp thời, sau một thời gian, bệnh nhân có thể bị suy tim nặng, gây rối loạn nhịp tim, đe dọa đến tính mạng như ngưng tim. Kíp thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân đã tiến hành tạo đường vào tĩnh mạch, luồn và cố định điện cực vào thành cơ tim, sau đó nối vào máy tạo nhịp được cấy dưới da. Ngay sau đặt máy, các thông số kỹ thuật ổn định, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số đều ở mức bình thường ghi nhận nhịp máy tạo nhịp là trên 60 lần/ phút. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Lâm Quốc Đăng, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, cho biết: “Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một trong những thủ thuật phức tạp và rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Vị trí đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được đặt ở khu vực ngực trái gần vai bệnh nhân, có ống dẫn vào buồng tim để hỗ trợ nhịp đập cho tim. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm, bệnh nhân có nhịp xoang dưới 40 lần/phút hoặc có những cơn ngưng xoang kéo dài. Triệu chứng điển hình của rối loạn nhịp chậm, như: Chóng mặt, xây xẩm, ngất thường xuyên hoặc nặng hơn là bệnh nhân có thể ngưng tim, nhồi máu não. Nhờ hỗ trợ của máy tạo nhịp, bảo đảm tần số tim bệnh nhân tối thiểu 60 lần/phút, giảm nguy cơ ngưng tim hay nhồi máu não”.
Bệnh rối loạn nhịp tim chậm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử. Trước đây, khi bệnh viện chưa triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhập viện, được đặt máy tạo nhịp tạm thời rồi chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện Đa khoa Bình Dương có kỹ thuật chuyển giao từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ rút ngắn thời gian chờ điều trị của bệnh nhân, giảm số lượng bệnh nhân đột tử, đột quỵ do rối loạn nhịp tim chậm.
Được biết, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là một kỹ thuật trong đề án bệnh viện vệ tinh tim mạch can thiệp được hiện năm 2016 đến nay và đã thực hiện 30 ca đặt máy tim tạo nhịp tạm thời.
HOÀNG KIM