Rạng sáng ngày 5-4, Tòa án Tối cao Brazil đã ra phán quyết bác đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Phán quyết này đồng nghĩa ông Lula Da Silva sẽ phải chấp hành bản án tù tòa đã tuyên và xem như sự nghiệp chính trị của ông chấm dứt.
Đồng thời, phán quyết này càng đẩy Brazil lún sâu hơn vào khủng hoảng chính trị do cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên “Lava Jato” (Rửa xe).
Theo The Guardian, phán quyết của Tòa án Tối cao Brazil được thẩm phán Cármen Lúcia, Chánh án Tòa án Tối cao Brazil, công bố vào rạng sáng ngày 5-4, sau một phiên nghị án kéo dài liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ và một cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại. Cán cân nghiêng về bên chống ông Lula Da Silva bởi lá phiếu của Chánh án Lúcia, cho ra kết quả 6 phiếu chống so với 5 phiếu ủng hộ.
Tuy vậy, dư luận cho rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra không bình thường, dưới áp lực từ quân đội sau khi tướng Tư lệnh lực lượng vũ trang Eduardo Villas Bosa có những phát biểu làm gợi nhớ lại giai đoạn đen tối trong lịch sử Brazil (1965-1985). Người ta cho rằng có vẻ như Tư lệnh Villas Boas đã gây sức ép với Tòa án Tối cao trong cuộc bỏ phiếu chống ông Lula Da Silva.
Về phần mình, cựu Tổng thống Lula Da Silva đã tuyên bố mình vô tội và lên án các cáo buộc tham nhũng chống lại ông có động cơ chính trị nhằm ngăn cản ông ra tranh cử Tổng thống Brazil vào tháng 10-2018 tới. Ông hiện đang được tại ngoại trong thời gian kháng cáo. Nhưng sau phán quyết này, tòa án sẽ thi hành lệnh bắt giam đối với ông.
Thẩm phán Sergio Moro, người đưa ra cáo buộc tội tham nhũng đối với ông Lula Da Silva, sẽ là người quyết định ban hành lệnh bắt. Thẩm phán Moro vốn được nhiều người ca ngợi là người hùng chống tội phạm, chống tham nhũng, nhưng đồng thời cũng bị những người khác tố cáo là lạm quyền.
Cựu Tổng thống Lula Da Silva bị cáo buộc trong một vụ án tham nhũng xuất phát từ những lời tố cáo của các chính khách đối lập với ông và đảng Công nhân. Ông bị cáo buộc đã nhận hối lộ trị giá tương đương 3,7 triệu reai (khoảng hơn 1 triệu USD) từ công ty xây dựng OAS.
Cựu Tổng thống Brazil Lula Da Silva.
Theo các công tố viên, Lula Da Silva không trực tiếp nhận hối lộ bằng tiền, mà nhận bằng hình thức quà biếu. Cụ thể, công ty xây dựng OAS đã tặng ông toàn bộ chi phí sửa sang một căn hộ cao cấp trong một chung cư sang trọng dọc bờ biển. Việc biếu tặng này được cho là để đền đáp việc ông đã giúp công ty giành được nhiều hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras (hiện là tâm điểm của cuộc điều tra Lava Jato).
Tháng 7-2017, Tòa án tuyên ông có tội và tuyên ông mức án 10 năm tù. Lula Da Silva kháng án, cho rằng tòa án không có cơ sở để buộc ông tội tham nhũng trong trường hợp nhận biếu tặng này. Tuy nhiên, tháng 1-2018, một tòa án phúc thẩm Brazil đã bác kháng án của ông, đồng thời gia tăng mức án từ 10 năm lên 12 năm tù.
Phán quyết của Tòa án Tối cao buộc ông Lula Da Silva phải chấp hành án tù đã đẩy đất nước Brazil lún sâu hơn vào khủng hoảng chính trị. Đất nước này đã bắt đầu chia rẽ nghiêm trọng kể từ sau khi bà Dilma Rousseff bị luận tội và phế truất do cáo buộc “lạm quyền” khi thực hiện các chương trình an sinh xã hội và điều hành kinh tế kém cỏi.
Vụ phế truất bà Rousseff là “cú đấm” chính trị nặng nhất khiến Brazil rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, trong đó hai phía đều có người dính líu trong cuộc điều tra Lava Jato, với hơn 150 chính khách đã bị bắt giam hoặc từ chức kể từ khi cuộc điều tra này được phát động.
Trong khi bà Rousseff bị phế truất một cách bất công thì người kế nhiệm bà, đương kim Tổng thống Michel Temer, lại ung dung giữ chức dù ông này mới thực sự là người phạm tội tham nhũng cần phải xử lý. Temer - đươc mệnh danh là “Vua sống sót” - đã thoát tội nhờ sự che chắn bảo vệ của các đồng minh trong Quốc hội Brazil.
Ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao, hàng ngàn người dân Brazil ủng hộ ông Lula Da Silva đã xuống đường phản đối phán quyết. Nhiều người trong số họ không tin rằng Lula Da Silva phạm tội tham nhũng, cho rằng tòa án đã xử ép ông vì mục đích chính trị, nhằm ngăn ông tiếp tục tranh cử. Lula Da Silva từng nổi tiếng là chính khách cánh tả đầu tiên trong lịch sử Brazil đi lên từ tầng lớp công nhân lao động trong nhà máy trở thành người lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Giai đoạn ông làm tổng thống, Brazil trải qua thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh, bền vững. Đất nước Brazil đã vươn lên vị thế cao hơn trên trường quốc tế, có tiếng nói quan trọng trong một số vấn đề khu vực và toàn cầu. Brazil cùng Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã hình thành khối kinh tế BRICS làm đầu tàu kinh tế thế giới.
Các chính sách an sinh xã hội của ông đã giúp cho hàng triệu người Brazil thoát khỏi cảnh nghèo đói. Các chính sách đó được người kế nhiệm ông là bà Dilma Rousseff tiếp tục thực hiện. Nổi bật nhất trong các chính sách an sinh xã hội đó là chương trình định mức trợ cấp cho gia đình mang tên Bolsa familia. Chương trình này đã giúp hàng triệu gia đình Brazil nghèo khó cải thiện cuộc sống, đồng thời con em họ cũng được cắp sách đến trường, từ đó có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2012, các chương trình an sinh xã hội này đã được bà Rousseff thể chế hóa, đưa vào luật để triển khai thực hiện lâu dài. Tại nhiều bang của Brazil, các chính sách an sinh xã hội này đã phát huy tác dụng. Những người từng được hưởng thụ chính sách an sinh xã hội của Lula Da Silva từ nghèo khó giờ đây đang hình thành một tầng lớp trung lưu mới. Và chính họ là lực lượng duy trì sức phát triển bền vững cho nền kinh tế Brazil.
Chính nhờ những chính sách tốt đẹp đó mà khi Lula Da Silva thoái vị vào năm 2011, ông vẫn được hơn 80% dân chúng Brazil mến mộ, ủng hộ, và liên tục trong nhiều năm sau đó, tỉ lệ người dân ủng hộ ông vẫn cao hơn người kế nhiệm. Cho đến nay, mặc dù bị cáo buộc tham nhũng, vẫn có hơn một nửa dân số Brazil ủng hộ ông.
Theo CAND