Với trên 90% số phiếu đã kiểm, cuộc bầu cử Quốc hội Hungary hôm Chủ nhật 8-4 cho kết quả đảng FIDESZ của đương kim Thủ tướng Viktor Orban giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ, từ đó nhiều khả năng sẽ chiếm tỉ lệ 2/3 số ghế trong quốc hội.
Chiến thắng đã củng cố thêm quyền lực, trao cho Orban thêm cơ hội để lèo lái đất nước Hungary theo đường lối mình mong muốn.
Tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp
Với chiến thắng hôm 8-4, ông Viktor Orban tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp (và là nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư trong sự nghiệp). Đối với Orban, thắng lợi này phản ánh sự tín nhiệm của cử tri Hungary dành cho quan điểm cứng rắn của ông trong vấn đề người nhập cư.
Orban đã triển khai một chiến dịch tranh cử có một không hai trong lịch sử Hungary, khi chỉ đưa ra một chủ đề duy nhất cho cả chiến dịch, đó là vấn đề dân nhập cư. Ông đã sử dụng luận điệu cực hữu để công kích các đảng phái đối lập là sẽ để cho người nhập cư tràn vào Hungary mang theo cả khủng bố và tội phạm.
Trên cơ sở sự quy kết đó, Orban cam kết sẽ bảo vệ biên giới đất nước và ngăn chặn người Hồi giáo nhập cư. Bài chính trị của Orban trong chiến dịch tranh cử là ông từ chối tranh luận công khai với các đối thủ và tránh giao tiếp với truyền thông theo xu hướng có lợi cho đối thủ. Thay vì thế, ông phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại các buổi tiếp xúc cử tri đại chúng do đảng FIDESZ tổ chức.
Các luận điểm vận động cử tri của ông dựa trên chính sách chống nhập cư được phổ biến rộng rãi thông qua hệ thống truyền thông nhà nước và các bảng quảng cáo ngoài trời, thu hút sự chú ý mạnh mẽ của công chúng Hungary. Khơi dậy tinh thần dân tộc là cách tốt nhất để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri.
Đối với các đảng phái chính trị tự do, đối lập ở Hungary, cuộc bầu cử hôm 8-4 đánh dấu một thất bại không gì có thể biện minh trong cuộc đấu với FIDESZ và với Orban. Sau thất bại, Gabor Vona của đảng Jobbik và Chủ tịch đảng Xã hội Gyula Molnar đều tuyên bố từ chức, không quên kèm theo những lời chỉ trích chiến dịch tranh cử quá áp đảo, không công bằng của Thủ tướng Orban.
Còn Chủ tịch đảng LMP (đảng Xanh Hungary) Akos Hadhazy cũng từ chức, đồng thời từ chối chúc mừng Orban, chỉ trích cuộc bầu cử không công bằng. Sau thất bại này, các đảng phái chính trị tự do, đối lập ở Hungary đang chuẩn bị sẵn tinh thần để tiếp tục sống chung 4 năm nữa với chính khách cực hữu, người có quan điểm chống nhập cư cứng rắn, một tinh thần dân tộc cực đoan và theo đuổi các chính sách bảo thủ, không khoan nhượng trước những kẻ đối đầu.
Những bước đi quyết liệt
Giới phân tích cho rằng, sau chiến thắng, ông Orban chắc chắn sẽ triển khai những bước đi quyết liệt nhằm khống chế những thành phần chống đối, gây bất lợi cho chính sách cầm quyền của ông, trong đó bao gồm cả hệ thống tư pháp và các tổ chức phi chính phủ (NGO). Đối với hệ thống tư pháp, ngay từ khi quay trở lại làm Thủ tướng Hungary nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2010 (nhiệm kỳ trước từ năm 1998-2002), Orban và đảng FIDESZ đã triển khai kế hoạch cải tổ ngành tư pháp, từng bước giảm dần tính độc lập của hệ thống tư pháp nhằm ngăn chặn những nguy cơ bất ổn chính trị từng xảy ra tại nhiều nước trên thế giới.
Các tổ chức truyền thông độc lập, tư nhân cũng chịu chung số phận. Đối với các tổ chức phi chính phủ, Orban xem đây là những mầm mống gây họa cho đất nước, đặc biệt là tổ chức của George Soros, nhà tài phiệt người Mỹ gốc Hungary. Giới quan sát dự đoán rằng sau bầu cử, Orban chắc chắn sẽ có những hành động đầu tiên nhằm khống chế các NOG, đặc biệt là cái gọi là chiến dịch “ngăn chặn Soros” bằng luật pháp trong cuộc đối đầu giữa Orban với Soros.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban mừng chiến thắng.
Theo các phụ tá của Orban, với đảng FIDESZ chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, các dự luật kiểm soát NGO sẽ nhanh chóng được thông qua trong vài tuần tới. Theo đó các quỹ tài trợ phi chính phủ từ nước ngoài có liên quan đến người nhập cư sẽ phải chịu mức thuế 25%, đồng thời Bộ Nội vụ được trao quyền đóng cửa các NGO mà bộ này tin là gây nguy hại cho an ninh quốc gia - một quy định nhắm vào tổ chức của Soros.
Zoltan Kovacs, phát ngôn viên của ông Orban khẳng định, những tổ chức nào can thiệp vào đời sống chính trị “cần phải bị đóng cửa”. Điều này có nghĩa là “cuộc chiến chống Soros” đang bắt đầu được hâm nóng.
Đối với EU, chiến thắng của Orban đặt ra một thách thức lớn, khiến cho nhiều người ở Brussels không vui. Và chẳng có gì ngạc nhiên nếu các quan chức EU không chúc mừng Orban. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, quan hệ giữa chính phủ của Thủ tướng Orban với Brussels đã không còn êm thấm do vấn đề dân nhập cư. EU, với đầu tàu là Đức, muốn triển khai chính sách cởi mở hơn trong vấn đề dân nhập cư, theo đó người từ các khu vực khó khăn nhập cư vào châu Âu sẽ được xem xét nhập cư có giới hạn.
Mỗi quốc gia sẽ nhận một số lượng người nhập cư nhất định tùy theo điều kiện thực tế. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Orban cho rằng, người nhập cư là vấn đề của nước Đức và phải để cho nước Đức giải quyết, Hungary không việc gì phải chung vai gánh vác. Tinh thần dân tộc cao độ của Orban vốn đã là vấn đề thường xuyên gây đau đầu cho các lãnh đạo EU. Là một người hoài nghi EU, Orban chủ trương không tiếp tục hòa nhập sâu hơn vào EU và đã từ chối tham gia chương trình tái định cư người di cư của EU, không chấp nhận bất kỳ sự dung nạp nào đối với người nhập cư.
Người ta còn nhớ, vào lúc cao trào cuộc khủng hoảng người di cư tràn vào châu Âu năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Orban đã cho xây dựng hàng rào dọc theo biên giới với Serbia và Croatia để ngăn người nhập cư trái phép. Vụ việc đó đã gây nên làn sóng dư luận chỉ trích kịch liệt nhưng Orban vẫn kiên quyết không thay đổi quyết định.
Với chiến thắng của Thủ tướng Hungary Orban, châu Âu đã thật sự chìm trong làn sóng cực hữu dân túy, với các chính phủ hữu khuynh dân túy trải từ Italia đến Ba Lan, Hungary, đồng thời nhiều đảng cực hữu dân túy đang trở thành thế lực mạnh ở Pháp, Đức, Áo, Hà Lan,... Những “đồng minh” cực hữu này sẽ tạo cho Thủ tướng Orban thêm sức mạnh để tiếp tục đối đầu với Brussels.
Theo CAND