Sau nhiều tháng bất ổn chính trị tại vùng li khai Catalonia, chính quyền trung ương Tây Ban Nha đang hy vọng dập tắt hoàn toàn phong trào ly khai sau một loạt vụ bắt giữ các cựu lãnh đạo Catalonia tại các nước Bắc Âu. Trong đó, nổi cộm nhất là vụ bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont hôm 25-3 hàm chứa nhiều vấn đề cho cả Tây Ban Nha và EU trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Huy động 12 điệp viên đón lõng
Ngày 23-3, thẩm phán Tây Ban Nha Pablo Llarena đã ban hành lệnh bắt cựu lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont cùng 5 chính khách vùng Catalonia, từ đó kích hoạt lại lệnh truy nã quốc tế đối với họ. Puigdemont bị bắt tại tỉnh Schleswig-Holstein, miền bắc nước Đức, trong đó có 2 người đã nộp mình cho cảnh sát tại Scotland và Bỉ. Lúc bị bắt, Puigdemont cùng 4 người bạn đang trên đường từ Helsinki, Phần Lan, trở về Brussels, nơi ông đang cư ngụ với tư cách tự lưu vong kể từ tháng 10-2017.
Theo thông tin báo chí Tây Ban Nha, việc bắt giữ Puigdemont do cảnh sát Đức trực tiếp thực hiện trên cơ sở thông tin chỉ điểm của tình báo Tây Ban Nha. Để tiến hành việc bắt giữ, Trung tâm Tình báo Quốc gia (CNI) của Tây Ban Nha đã theo dõi mọi hoạt động của Puigdemont và nhóm chính khách đi cùng ông bằng cách sử dụng dịch vụ định vị địa lý được cài đặt trên một chiếc điện thoại của một người đi cùng.
Sau khi xác định được địa điểm cư trú và hành trình di chuyển của Puigdemont, CNI đã cử một nhóm 12 điệp viên bay sang Đức và Bỉ để đón lõng và bắt giữ.
Cựu Thủ hiến Puigdemont cùng nhóm chính khách Catalonia đã tự mình lưu vong sang các nước Bắc Âu từ tháng 10-2017, sau khi xảy ra cuộc trưng cầu dân ý và đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha. Cuộc trưng cầu dân ý đã bị Tòa án Tối cao Tây Ban Nha tuyên bất hợp pháp, nhưng sau đó nhóm lãnh đạo của Puigdemont vẫn quyết định không từ bỏ mục đích ly khai, tự tuyên bố độc lập bất chấp cảnh báo từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Từ đó dẫn đến việc chính quyền Madrid mạnh tay đàn áp.
Puigdemont bị truy tố vắng mặt với hai tội là “dấy loạn”. Lệnh bắt quốc tế đã được ban hành. Tuy nhiên, tháng 12-2017, lệnh bắt bị tạm đình chỉ do Tòa án Tối cao xác định không đủ cơ sở để buộc Puigdemont tội danh “dấy loạn”, vì ly khai được xem là mục đích chính trị chính đáng. Lệnh bắt mới được ban hành có thêm tội danh “lạm dụng công quỹ” nhằm đảm bảo tính hợp pháp và hợp hiến.
Hiện tòa án địa phương ở Đức có 60 ngày để đưa ra quyết định dẫn độ Puigdemont về Tây Ban Nha hay không.
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont.
Tiềm ẩn rủi ro
Vụ bắt giữ ông Puigdemont đối với chính quyền Tây Ban Nha là một thắng lợi trong việc xử lý điểm nóng bất ổn chính trị tại vùng Catalonia. Tuy nhiên, vụ việc cũng tiềm ẩn những rủi ro chính trị. Theo giới phân tích, nếu tòa án Đức cho phép dẫn độ Puigdemont về Tây Ban Nha theo tội danh tham nhũng, điều đó sẽ gây phản tác dụng bởi sẽ châm ngòi cho những cuộc biểu tình khắp vùng Catalonia.
Trên thực tế, ngay sau khi có thông tin về lệnh bắt ông Puigdemont và 5 chính khách Catalonia, hàng ngàn người ủng hộ phong trào ly khai đã xuống đường biểu tình ở khắp vùng Catalonia. Đồng thời việc xét xử ông Puigdemont và các lãnh đạo khác của vùng Catalonia càng làm cho dư luận quốc tế chú ý, EU quan tâm hơn, từ đó vô tình làm tăng thêm “sức nặng” cho phong trào ly khai Catalonia.
Trọng tâm của Madrid là dập tắt phong trào ly khai ở Catalonia, nhưng lại xem vấn đề này là vụ việc vi phạm pháp luật, không thừa nhận tính chất chính trị của nó. Đây được xem là “chiêu” cao tay của chính quyền Thủ tướng Mario Rajoy. Nhưng quan điểm và cách xử lý này được đánh giá là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Giới chuyên gia pháp lý cho rằng, việc ra lệnh bắt giữ và dẫn độ theo tội danh hình sự sẽ khiến cho Tòa án Tối cao gặp nhiều khó khăn trong việc xét xử vụ việc chính trị bằng thủ tục tố tụng hình sự thông thường. Hơn nữa, việc bắt giam và xét xử Puigdemont và các chính khách Catalonia không phù hợp tiêu chuẩn châu Âu, càng khiến cho Tây Ban Nha khó xử.
Trong khi đó, việc bắt giữ Puigdemont đã đưa vấn đề Catalonia trở lại là mối bận tâm của EU, đặt ra nhiều vấn đề rối rắm cho EU. Trong thời điểm hiện tại, EU đã có quá nhiều vấn đề phải xử lý, như vấn đề nước Anh rời khỏi EU (Brexit), sự trỗi dậy của phong trào cực hữu, nhất là việc các đảng phái cực hữu, dân túy lên nắm quyền ở Italia, rồi những vấn đề bất ổn xã hội ở Pháp, chia rẽ nội bộ giữa EU và Ba Lan, Hungary, và đặc biệt nghiêm trọng là cuộc đối đầu căng thẳng với nước Nga sau vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh.
Thời gian qua, các lãnh đạo EU đã cố gắng không nhắc đến vấn đề ly khai trong khu vực bởi sẽ có rất nhiều vùng, địa phương trong khu vực cũng đòi ly khai. Vụ việc Catalonia sẽ đặt ra những câu hỏi về việc EU có đoàn kết, thống nhất trong tuân thủ và thực thi pháp luật hay không, và EU sẽ xử lý thế nào đối với những vùng ly khai khác.
Nếu tòa án Đức cho dẫn độ Puigdemont về Tây Ban Nha, phiên tòa xét xử ông và các đồng sự sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận bởi tính chất phức tạp của nó. Các chuyên gia pháp lý cho rằng bắt giam, xét xử không phải là cách hay để giải quyết vấn đề ly khai ở Catalonia. Puigdemont bị bắt giam, sẽ có những người khác thay thế, đấu tranh sẽ tiếp tục, và Catalonia sẽ tiếp tục bất ổn.
Thay vì thế, họ cho rằng chính quyền của Thủ tướng Rajoy cần sử dụng kênh đối thoại chính trị để từng bước giải quyết tận gốc vấn đề. Catalonia đóng góp đến 20% GDP của nền kinh tế Tây Ban Nha, và Puigdemont và các lãnh đạo chính trị của Catalonia cho rằng Madrid đã đối xử không công bằng với họ. Đó là cái gốc của vấn đề ly khai. Do đó, các chuyên gia cho rằng đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ, dù nhiều dù ít, sẽ mở ra hướng giải quyết cho vấn đề ly khai ở Catalonia.
Theo TTXVN