Trong khuôn khổ chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2022 (BÌNH DƯƠNG EXPO 2022), ngành công thương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu từ truyền thống đến hiện đại; đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo trang bị thêm kiến thức về phát triển thị trường cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất.
Một số hình ảnh tại buổi kết nối cung cầu của 120 DN vào các chuỗi siêu thị, đơn vị phân phối
Đáp ứng kỳ vọng
Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển công nghiệp, cho biết hoạt động kết nối cung cầu là một phần không thể thiếu để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa. Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung - cầu, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương và các DN đã tập trung thực hiện các chương trình hợp tác thương mại thông qua việc hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu; mở rộng tiêu thụ hàng hóa qua các kênh truyền thống, định hướng và đẩy mạnh kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Điều đáng mừng, với những cách làm mới, bài bản, đặt mục tiêu hỗ trợ DN lên cao nhất, BÌNH DƯƠNG EXPO 2022 thật sự là một ngày hội cho các đơn vị sản xuất có cơ hội quảng bá sản phẩm hàng hóa, và các đơn vị phân phối, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận quy trình sản xuất một cách đầy đủ nhất, nhằm lựa chọn sản phẩm trực tiếp hơn. Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa Phát, huyện Dầu Tiếng, cho biết hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa BÌNH DƯƠNG EXPO 2022 là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp cho sản phẩm, nông sản địa phương trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn các hội nghị tại BÌNH DƯƠNG EXPO 2022 đã thực sự đáp ứng kỳ vọng của đơn vị sản xuất khi các đơn vị phân phối, người tiêu dùng đến tham quan đông, tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín sản phẩm chất lượng của địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng và giải quyết đầu ra cho các sản phẩm hàng Việt.
“Từ đó, chương trình tiếp tục tạo niềm tin cho DN an tâm đầu tư, sản xuất, mở rộng thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng thời có nhiều chương trình hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử… phát triển sau hoạt động kết nối cung cầu. Người sản xuất được trang bị kiến thức và lợi ích giữa sự kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phân phối truyền thống, bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động thị trường”, ông Tống Văn Hướng khẳng định.
Kết nối các đơn vị
Tham gia các chương trình kết nối cung cầu, các hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc… đã có cơ hội tiếp cận các nhà cung ứng, người tiêu dùng. Đây thực sự là bước tiến mới khi đơn vị sản xuất đã thật sự tự hào trong việc tự giới thiệu các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và khu vực đến với đối tác.
Ông Trang Minh Thiện, phụ trách kinh doanh của Lotte Mart, cho biết Sở Công thương đã tổ chức kết nối 120 DN trong tỉnh với các siêu thị lớn, các nhà phân phối là hoạt động hết sức thiết thực, tạo cơ hội cho các bên gặp gỡ, nắm bắt và kết nối thông tin. Tại buổi kết nối, Lotte đã gặp gỡ, xem xét hàng hóa của các DN, đơn vị sản xuất về quy trình, tiêu chuẩn và chất lượng đạt được. Các đơn vị đã cung cấp đầy đủ chứng nhận, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Bước đầu, siêu thị đánh giá cao chất lượng hàng hóa sản phẩm tham gia kết nối cung - cầu năm 2022 và cho biết sẽ xem xét cụ thể từng loại sản phẩm để có bảng đánh giá chi tiết gửi về các đơn vị, từ đó xúc tiến hoạt động ký kết thương mại đối với sản phẩm đạt yêu cầu đặt ra. “Chúng tôi sẽ mang các sản phẩm về tổng công ty để đánh giá một cách toàn diện nhất các tiêu chí mà siêu thị đã đặt ra. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa chỉ là một phần. Các đơn vị cần phải đạt được sản lượng, bảo đảm thời gian giao hàng theo yêu cầu cho nhà phân phối… Chúng tôi kỳ vọng rằng thông qua BÌNH DƯƠNG EXPO 2022, sẽ tìm ra nhiều nhà cung ứng cho Lotte”, ông Trang Minh Thiện đặt nhiều niềm tin từ chương trình.
Theo bà Bùi Thị Đoan Phượng, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng cô giáo Phượng (huyện Bàu Bàng) các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đều hoan nghênh cách làm này của các siêu thị, nhà phân phối. Các đơn vị sẽ căn cứ vào bảng đánh giá để tạo ra thành phẩm đúng tiêu chuẩn nhằm đáp ứng tốt hơn các điều kiện của nhà phân phối. Về phía cơ sở sản xuất, điều mà chúng tôi nhận ra là cần đầu tư nhiều hơn cho bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Trước đây, chúng tôi chỉ chú trọng nhiều vào chất lượng, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm thì thông qua sự hướng dẫn của các đơn vị phân phối, người tiêu dùng chúng tôi hiểu hơn về tầm quan trọng của bao bì, nhãn mác để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng”, chị Bùi Thị Đoan Phượng chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương): BÌNH DƯƠNG EXPO 2022 là sự kiện quan trọng, nhằm đẩy mạnh kết nối giao thương - xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ và mở rộng các kênh phân phối hàng hóa. Đây cũng là dịp để các DN gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật và tham gia vào chuỗi cung ứng. Đồng thời, đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu thương hiệu DN đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. |
TIỂU MY - THẠNH MỸ