Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chìa khóa” để phát triển kinh tế

Cập nhật: 15-11-2017 | 08:16:14

Chỉ sau 3 tháng học nghề, nhiều người nghèo, người khuyết tật, lao động nữ, đối tượng chính sách và lao động nông thôn (LĐNT)… đã có việc làm ổn định. Đó là hiệu quả rõ nhất của việc đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề LĐNT.

 Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động nông thôn. Ảnh: T.V

 “Hoa thơm quả ngọt” sau học nghề

Chiều cuối tuần, chúng tôi đến gia đình anh Trần Trung Dũng và chị Lê Thị Tháp (xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng) để tham quan vườn cây ăn trái của gia đình anh. Vừa tiếp chúng tôi được một lúc, anh chị lại đón tiếp đoàn nông dân các xã lân cận đến học tập kinh nghiệm về mô hình sản xuất kinh doanh của gia đình anh. Hỏi ra mới biết để có được thành quả như ngày hôm nay, anh chị đã bỏ công sức để tham gia lớp đào tạo nghề chăm sóc cam bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Dầu Tiếng phối hợp tổ chức. “Năm 2014, gia đình tôi quyết định chuyển sang mô hình mới có năng suất cao hơn. Học tập kinh nghiệm trên báo, đài, tôi thử nghiệm trồng bưởi da xanh nhưng liên tục thất bại. Sau đó, huyện có tổ chức lớp học trồng, chăm sóc cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi tham gia và có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt. Trong thời gian chờ thu hoạch bưởi, gia đình trồng xen canh quýt, cam để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, gia đình tôi có gần 2ha cây ăn trái, cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng”, anh Dũng cho biết.

Vốn là Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Thạnh, anh Dũng không những không giấu bí quyết trồng trọt của mình mà còn tạo mọi điều kiện để Hội Nông dân huyện, các xã tổ chức các lớp dạy trồng bưởi, cam tại nhà và cho thực hành trong chính khu vườn của mình. Học tập theo anh, hiện nay, toàn xã Minh Thạnh có hơn 20 hộ trồng bưởi và đang chờ đón những mùa quả ngọt đầu tiên.

Cũng như anh Dũng, sau khi được đào tạo nghề LĐNT, chị em phụ nữ huyện Phú Giáo không làm riêng lẻ mà tập trung lại để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình từ nghề đã được học. Hiện tại, Hợp tác xã (HTX) may do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập đã có trên 100 thành viên. Các chị là những người đã tham gia lớp học nghề may theo Đề án 1956. Người trước chỉ bảo cho người sau nên ai nấy cũng vững tay nghề. Khi thành lập HTX có những đơn hàng đặt may, hay lắp ráp cho công ty, Ban chủ nhiệm HTX đứng ra nhận, phân phối cho các chị em cùng làm. Làm nhanh, đường may chuẩn nên các chị có rất nhiều đơn hàng. Từ đó cuộc sống gia đình ai nấy cũng ổn định. Chị Nguyễn Thị Nga, thành viên trong HTX may vui mừng tâm sự, chị học nghề may được 3 năm. Từ một hộ nghèo của xã, nhờ học nghề may, đến nay qua việc nhận hàng gia công làm tại nhà, thu nhập của chị bình quân từ 3-4 triệu đồng/tháng. Chị cảm thấy may mắn khi mình đã chọn học đúng nghề. Giờ đây, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định.

Đào tạo nghề gắn với việc làm

Không chỉ những trường hợp nêu trên có việc làm sau khi được học nghề mà 80% trong số hơn 10.000 người được đào tạo nghề LĐNT trong giai đoạn 2010-2015 trong tỉnh có việc làm ổn định sau khi được học nghề. Đó là con số đáng mừng để những người thực hiện đề án tiếp tục có những cách làm hay thu hút người nghèo, LĐNT, người khuyết tật, đối tượng chính sách tham gia học nghề. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương. Để đạt được kết quả đó, Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 1956 đã chú trọng phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT với 64 cơ sở dạy nghề; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đề án. Do đó, tỉnh đã phê duyệt cho 29 giáo viên thuộc các nghề tham gia hỗ trợ công tác dạy nghề LĐNT tại các địa phương.

Gắn với tình hình thực tế từng địa phương, BCĐ đề án cũng chọn các ngành nghề phù hợp như: May, cạo mủ cao su, chăm sóc cây ăn trái, kỹ thuật chăn nuôi, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại, cắt tóc, nấu ăn đãi tiệc… Nội dung dạy nghề chủ yếu là thực hành để người học nắm kiến thức, vững thực hành ngay sau khi học. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề LĐNT chính là nhận thức của người lao động có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn khi bản thân người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp của mình.

Nhiều chế độ ưu đãi

Bên cạnh những kết quả khả quan, trong quá trình triển khai đào tạo nghề cho LĐNT có nhiều bất cập. Chính vì vậy, năm 2017, giai đoạn 2018- 2020, việc đào tạo nghề đã không chạy theo phong trào, chạy theo số lượng mà lấy chất lượng đặt lên hàng đầu. Năm 2017, mục tiêu đưa ra đào tạo khoảng 1.380 người, giai đoạn 2018-2020 khoảng 4.140 người. Ưu tiên ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Lý giải về chỉ tiêu đào tạo giảm xuống, ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề - Việc làm Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay thanh niên tại các địa phương hầu hết đi học đại học, cao đẳng, trung cấp, số khác vào làm việc trong các doanh nghiệp. Chính vì vậy, đào tạo nghề LĐNT chỉ tuyển sinh được tầng lớp trung niên nhưng số lượng lại khá ít. Mặt khác, nhiều nghề trong chương trình đào tạo nghề cho LĐNT không hẳn đã là lựa chọn tốt nhất với người ở nông thôn.

Chính vì vậy, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bình Dương từ nay tới năm 2020 có nhiều thay đổi theo hướng chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, đặc biệt, nhiều chế độ hỗ trợ người học được nâng lên rất đáng kể. Vấn đề còn lại của đề án là tập trung đào tạo sao cho có chất lượng, đáp ứng được khả năng nâng cao tay nghề, nâng thu nhập. “BCĐ đề án sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các ấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng LĐNT. Lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả chương trình dạy nghề cho LĐNT gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nhanh nguồn nhân lực của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020”, ông Phạm Văn Tuyên nói.

 Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Bình Dương là địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề LĐNT. Tuy nhiên, trong thời gian tới để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả hơn nữa cần phải khảo sát nhu cầu của người học, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở trú đóng tại từng địa phương để đào tạo cho phù hợp. Với địa phương phát triển công nghiệp như Bình Dương nên gắn kết dạy nghề LĐNT với đào tạo nghề cho doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tác dạy nghề. Có như vậy, người học sẽ có việc làm ngay sau khi học với mức lương cao. Tỉnh cũng nên đẩy mạnh các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong đào tạo nghề LĐNT để nhân rộng điển hình; tăng cường kiểm tra, giám sát và tổng kết hoạt động dạy nghề LĐNT.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án 1956 tỉnh: Dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm, BCĐ đề án sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất nhu cầu đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, động viên khen thưởng kịp thời; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cải tiến trang thiết bị dạy nghề. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng đào tạo nghề là bộ đội xuất ngũ và nạn nhân, con em nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1605
Quay lên trên