Đào tạo nghề cho người khuyết tật: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cập nhật: 11-12-2020 | 05:33:48

Thống kê của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp người khuyết tật tỉnh (TTGDNNNKT) cho thấy, hàng năm, có đến 60% học viên tốt nghiệp các lớp nghề có việc làm ổn định. Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật (NKT) ở một số huyện, thị chưa biết và chưa tiếp cận được với các lớp dạy nghề tại trung tâm. Vì thế, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

 Nhờ có tâm với nghề, các cô, thầy tại TTGDNNNKT tỉnh xem học viên như người thân trong gia đình. Trong ảnh: Cô Trần Thị Mộng Hường (đứng) hướng dẫn cho một học viên của trung tâm

 Tăng cường công tác tuyển sinh

Nếu như năm 2007, TTGDNNNKT tỉnh chỉ đào tạo được 3 ngành nghề, thì đến nay, con số này đã tăng lên gần 10 ngành nghề. Các ngành nghề đào tạo cung ứng được việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp có thể kể đến, như: May mặc, cắt tóc, điện cơ, điện tử, in lụa, dệt. ..

Bà Đặng Thị Minh Thu, Giám đốc TTGDNNNKT tỉnh, cho biết hàng năm, được sự quan tâm của UBND tỉnh và đơn vị chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề cho NKT trong tỉnh được tổ chức khá tốt. Bên cạnh tuyên tuyên qua các kênh trên các phương tiện thông tin truyền thông trong tỉnh, trung tâm còn liên hệ với các xã, phường, thị trấn tổ chức các lớp tuyển sinh nhằm giới thiệu ngành nghề đào tạo đến NKT. Tuy nhiên, với các địa phương như: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên... số NKT tham gia học nghề chưa cao. Lý do là cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội ở các xã, phường, thị trấn chỉ thông báo công tác tuyển sinh dạy nghề đến những NKT nặng, được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội của tỉnh. Những NKT nhẹ chưa được thống kê đầy đủ và chưa được tuyên truyền về các lớp đào tạo nghề này. Thời gian tới, trung tâm sẽ đề xuất với các cấp làm cuộc khảo sát chi tiết hơn về số NKT trên địa bàn để giúp họ tiếp cận công tác đào tạo nghề tốt hơn.

Cũng theo bà Thu, sau các khóa học, phòng sản xuất tạo việc làm của TTGDNNNKT có nhiệm vụ liên kết với những công ty có nhu cầu tuyển lao động là NKT trực tiếp đến trung tâm tuyển lao động. Rất nhiều NKT đã có được việc làm ổn định, với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng. Với những người có tay nghề yếu hơn hay không có nhu cầu đi làm tại các công ty, xí nghiệp, phòng sản xuất tạo việc làm sẽ nhận các đơn hàng từ các công ty, xí nghiệp về gia công. Tuy nhiên, việc gia công tại trung tâm không được ổn định, mức thu nhập thấp hơn.

Nâng cao trình độ giáo viên

Thời gian qua, TTGDNNNKT tỉnh không ngừng cập nhật những ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu, tạo việc làm ổn định cho NKT. Do đó, việc nâng cao trình độ giáo viên, bổ sung các trang thiết bị đào tạo nghề luôn được trung tâm quan tâm. Bà Đặng Thị Minh Thu, cho rằng: “Đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, việc dạy nghề cho NKT còn khó hơn gấp bội. Các giáo viên không chỉ nắm chắc nghề nghiệp để truyền đạt một cách có hiệu quả mà còn phải có tâm, xem họ như người thân, phải có tính kiên nhẫn, lòng yêu thương. Có được đức tính này mới có thể dạy nghề cho NKT. Vì thế, việc nâng cao trình độ cho giáo viên luôn được trung tâm chú trọng”.

Đáp ứng yêu cầu đó, những người làm công tác đào tạo nghề cho NKT tại trung tâm này không chỉ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học mà còn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác. Điển hình như cô Trần Thị Mộng Hường, lớp dệt saori (lớp dệt vải theo kiểu người Nhật). Bên cạnh nắm vững kiến thức để truyền đạt nghề nghiệp cho NKT, 2 năm nay, cô Hường đang theo học lớp thạc sĩ. Theo cô Hường, để truyền đạt nghề cho NKT phải hiểu rõ tính nết, trình độ của từng học viên. Phải biết rõ họ đang ở mức nào. Có học viên khi mới vào đây còn không biết nối 2 cọng chỉ thành một, họ bị khuyết tật rất nặng. Tuy nhiên, sau 1 năm đào tạo, họ hòa nhập hơn, năng động hơn. Chưa nói đến việc học nghề để kiếm tiền, sau khóa học tại trung tâm, họ phát triển về tư duy cũng như hòa nhập xã hội. “Tôi rất vui khi được làm công việc này và không ngừng học tập, phấn đấu để truyền nghề cho các học viên tốt hơn”, cô Hường nói.

Cô Hường cho biết thêm, để có phương pháp dạy nghề hiệu quả cho NKT, hơn ai hết giáo viên phải có tâm. Trong quá trình dạy, phải đọc nhiều về tâm lý, tìm hiểu về học viên nhiều hơn, đặc biệt không được tạo áp lực lên học viên. Khi một công đoạn nào đó mình truyền đạt nhiều lần mà họ không nắm vững, tốt hơn hết là nhờ các học viên khá, giỏi trong lớp để truyền đạt thay, học viên sẽ không bị áp lực. Giờ dạy không được quá dài, sẽ làm các học viên mệt mỏi. Trong quá trình dạy phải biết truyền cảm hứng cho học viên như xen vào các tiết mục ca hát, kể chuyện, hay lồng ghép các trò chơi để học viên cùng tham gia...

Những lời chia sẻ của cô Hường tuy không nhiều, nhưng đủ để thấy cái tâm, cũng như lòng yêu nghề của các thầy, cô tại TTGDNNNKT. Họ không ngừng hoàn thiện mình mỗi ngày để làm sao truyền đạt nghề, đào tạo nhiều lớp nghề tốt hơn cho NKT để NKT từng bước vươn lên trong cuộc sống.

 Theo báo cáo TTGDNNNKT tỉnh, trung bình mỗi năm, đơn vị này tuyển sinh được khoảng 70 nkt trong tỉnh có độ tuổi từ 14 - 40 để đào tạo các nghề. thời gian đào tạo khoảng 11 tháng. khi tham gia học nghề, học viên được tạo điều kiện ăn, ở miễn phí tại trung tâm.   

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên