Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một hướng đi tất yếu bảo đảm hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Trong những năm qua, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, có trình độ chuyên môn tốt. Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Song song với việc phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, hiện Bình Dương đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện tỉnh Bình Dương có hơn 2.754 ha diện tích đất ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha, hơn 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP. Đối với tiêu chuẩn GlobalGAP đã được chứng nhận trên quy mô 60 ha diện tích trồng chuối. Tuy nhiên, để nền nông nghiệp đáp ứng xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bình Dương cần áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh, như: Ứng dụng nông nghiệp 4.0 trong trồng trọt, ứng dụng di động mạng lưới giám sát sâu rầy, xây dựng mô hình chăn nuôi 4.0 và công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững… Nhưng để ứng dụng hiệu quả các giải pháp này, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đòi hỏi phải đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0.
Trong giai đoạn mới, tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học và công nghệ, ứng dụng có hiệu quả công nghệ số, từng bước hoàn thiện nguồn tài nguyên số phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục - đào tạo khuyến khích sinh viên, học viên nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo ban hành chính sách phù hợp cho các thành phần trong mô hình liên kết cùng thực hiện, nhất là chính sách về đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Khuyến khích và có chính sách phù hợp để các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nghệ nhân, nông dân giỏi tham gia công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
PHƯƠNG AN