“Đất lửa” thu hút nhiều nhà đầu tư

Cập nhật: 02-09-2015 | 08:45:28

Khu Tam giác sắt (TX.Bến Cát) trong chiến tranh được mệnh danh “tường đồng, vách thép” nay tiếp tục kế thừa truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của cha anh vươn lên mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.


Tam Giác Sắt nay đã đổi thay mạnh mẽ.
Trong ảnh: Một góc xã An Tây, TX.Bến Cát. Ảnh: K.VINH

Anh dũng, kiên cường

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khu Tam giác sắt (còn gọi là địa đạo Tây Nam Bến Cát) bao gồm các xã Phú An, An Tây và An Điền (TX.Bến Cát) nổi danh là “tường đồng, vách thép” che chở cho các lực lượng chiến đấu của ta đánh giặc. Ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này sớm nổi danh với Chiến khu An Thành. Khi đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam kỳ, Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định… Nhờ đó mà người dân địa phương sớm giác ngộ và một lòng đi theo cách mạng.

Đến năm 1948, khu Tam giác sắt lần đầu tiên xuất hiện hệ thống địa đạo trong lòng đất, trở thành nỗi khiếp đảm đối với quân thù. Địa đạo Tam giác sắt không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Phú An, An Tây và An Điền đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “làng ngầm” kỳ diệu. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.

Trong suốt 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, khu Tam giác sắt đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến tranh. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân 3 xã nói trên đã chiến đấu tiêu diệt hàng ngàn tên giặc, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, địa đạo Tây Nam Bến Cát là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân cả nước năm 1975.

Hôm nay về lại vùng “đất lửa” đã không còn thấy hình bóng của một vùng đất bị cày xới bởi chiến tranh nữa. Tam giác sắt sau ngày đất nước thống nhất đã thay đổi vai trò, trở thành một trong những đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng của TX.Bến Cát. Gác lại bao đau thương của quá khứ, giờ đây Tam giác sắt đã xanh mướt những vườn cao su mang lại giá trị kinh tế lớn, bên cạnh đó là hàng chục trang trại quy mô chăn nuôi heo, gà… cho hiệu quả kinh tế cao.

Lão nông Ngô Văn Kiên ở xã An Tây dắt chúng tôi ra sau vườn nhà, nơi vẫn còn đó vết tích của lối vào địa đạo của gia đình năm xưa gật gù tâm đắc: “Hồi trước gia đình tôi một lòng theo cách mạng, quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Giờ đây, trên mảnh đất này các thế hệ con cháu phải phát triển kinh tế để đền đáp lại những máu xương của thế hệ cha anh đã đổ xuống”.

Công nghiệp mở đường phát triển

Chị Đặng Thị Kim Loan, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Việt tại xã An Tây chia sẻ: “Năm 2009, tôi và chồng tìm kiếm cơ hội mở xưởng sản xuất. Khi đến đây, tôi được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện rất lớn. Tôi nhận ra, ngoài truyền thống anh hùng của địa phương thì hạ tầng được đầu tư bài bản, nguồn nhân lực dồi dào ở đây sẽ giúp công việc kinh doanh của mình gặp nhiều thuận lợi. Chính vì thế, tôi đã mạnh dạn đầu tư, khởi nghiệp trên mảnh đất Tam giác sắt này”.

Nếu như trước đây, kinh tế của các xã An Tây, An Điền và Phú An chủ yếu là nông nghiệp thì nay công nghiệp, dịch vụ và thương mại phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn các xã, hệ thống giao thông nông thôn liên xã được nâng cấp và xây dựng mới; nhiều công ty, xí nghiệp ra đời, kéo theo hàng loạt nhà trọ, hàng quán mọc lên để đáp ứng nhu cầu của công nhân. Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn cũng dần thu hẹp nhường chỗ cho công nghiệp, bởi công nghiệp chính là “đòn bẩy” mở đường cho nơi đây phát triển và từng bước lan tỏa sang các lĩnh vực khác.

Các khu công nghiệp như Việt Hương, Rạch Bắp, Ascendas được xây dựng ở xã An Tây đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi đến đầu tư làm ăn, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo ra sản phẩm cho xã hội và thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển. Các xã Phú An, An Điền cũng đã có nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở làm ăn ổn định mọc lên, không những giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương mà còn tạo cơ hội cho nhiều người tìm về an cư, lạc nghiệp.

Bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, những cái tên An Tây, An Điền, Phú An giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, đồng bộ cùng với lợi thế địa hình, thổ nhưỡng tốt, khu Tam giác sắt trước đây nay đã hội đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân và đổi thay bộ mặt của vùng “đất thép”.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=884
Quay lên trên