Dấu ấn hợp tác, đầu tư- Kỳ 2

Cập nhật: 04-08-2017 | 19:04:16

Kỳ 2: Bình Dương thu hút nhiều dự án đầu tư từ ASEAN

Là một tỉnh công nghiệp phát triển của cả nước, những năm qua, Bình Dương luôn là điểm thu hút nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) từ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Những dự án này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương.

Thu hút vốn đầu tư lớn

ASEAN hiện đang nỗ lực thiết lập một môi trường đầu tư thuận lợi hơn trong khu vực. Các quốc gia thành viên đã cam kết hướng tới một môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch hơn, với mục tiêu tăng cường các dòng đầu tư và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào khu vực.

Dây chuyền sản xuất giấy của Công ty TNHH giấy Kraft Vina (Thái Lan), TX.Bến Cát. Ảnh: P.LÊ

Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức vận hành từ ngày 1-1- 2016 đã đặt ra cho nước ta trước những cơ hội và thách thức lớn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng với xuất khẩu, vốn FDI đang là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì thế, việc gia tăng đầu tư nội khối giữa các nước trong ASEAN nói chung và từ ASEAN vào Việt Nam nói riêng có vai trò quan trọng trong tiến trình thu hút vốn đầu tư, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, gần cảng biển lớn, hiện nay, nhiều DN FDI liên tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Là một tỉnh công nghiệp phát triển của cả nước, những năm qua Bình Dương vẫn luôn là điểm thu hút DN của các quốc gia trong ASEAN. Dự án của các nước trong ASEAN đầu tư vào Bình Dương tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN). Các dự án lớn như KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) I, II và III có tổng vốn đầu tư khoảng 835 triệu USD, do Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP đầu tư với mục tiêu đầu tư, xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Dự án Công ty Cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore) vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN VSIP II-A; dự án sản xuất giấy của Công ty TNHH giấy Kraft Vina (Thái Lan) vốn đầu tư đăng ký 215 triệu USD tại KCN Mỹ Phước III... Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nước ASEAN vào tỉnh Bình Dương là 521 triệu USD, chiếm 29% tổng vốn FDI vào Bình Dương trong 7 tháng qua.

Lãnh đạo Công ty TNHH giấy Kraft Vina cho biết, công ty là nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, có tổng chi phí cho cả 2 giai đoạn là 330 triệu USD, trên diện tích 38 ha. Trong tháng 4 vừa qua, công ty đã khánh thành nhà máy số 2 tại KCN Mỹ Phước III (TX.Bến Cát). Để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, công ty đã mở rộng dây chuyền sản xuất số 2 theo tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu, dây sản xuất giấy khổ trung với tổng công suất lên tới 500.000 tấn/năm.

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Trong những năm qua, Bình Dương là một địa phương năng động, luôn quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội; từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường trong nước và nước ngoài. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các quy hoạch, bố trí quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư từ ASEAN vào Bình Dương sau khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; đồng thời tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư theo đúng định hướng và quy hoạch phát triển của địa phương; hạn chế cấp phép đầu tư sản xuất ngoài KCN.

Tính đến ngày 31-7-2017, các nước ASEAN có 329 dự án FDI còn hiệu lực tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Có 7 quốc gia trong ASEAN đã đầu tư vào Bình Dương gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philipines và Campuchia. Trong số này, dẫn đầu về vốn đầu tư là Singapore với 2,6 tỷ USD, 160 dự án (đứng thứ 4 trong số các quốc gia đầu tư tại Bình Dương); Malaysia đứng thứ 2 với 77 dự án, số vốn 637 triệu USD; Thái Lan đứng thứ 3 với 469 triệu USD.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục vận động chủ đầu tư chuyển đổi công năng một phần diện tích khu, cụm công nghiệp phía Nam của tỉnh để phát triển theo hướng dịch vụ - thương mại. Song song đó, Bình Dương sẽ triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa hiệu quả, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch, văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, trước hết là đối với các quốc gia trong ASEAN thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ đối ngoại tỉnh Bình Dương; tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa Bình Dương và địa phương của các quốc gia trên thế giới.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể với những định hướng quan trọng nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm phát triển cộng đồng DN. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh; vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương; cùng với đó xây dựng những mô hình mới làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Bình Dương cũng sẽ tăng cường cải cách hành chính, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu cho phù hợp với cơ chế thị trường; đồng thời ưu tiên đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội trọng yếu của tỉnh một cách đồng bộ, tạo động lực thu hút đầu tư và ổn định sản xuất, kinh doanh cho DN, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, trong đó có các DN từ ASEAN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Liêm cũng nhấn mạnh, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường, qua đó góp phần tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho cộng đồng; cùng với đó tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN - doanh nhân phát triển bền vững.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã khẳng định, trong công cuộc phát triển và tham gia các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết cũng như trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh sẽ tiếp tục thể hiện trách nhiệm và đồng hành với DN; luôn quan tâm theo dõi và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh và triển khai dự án đầu tư. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe những góp ý chân thành, trách nhiệm của cộng đồng DN, doanh nhân trong tỉnh để có những giải pháp phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ngài Neil McGregor, tân Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) cho biết, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN đến đầu tư. Sembcorp luôn mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Bình Dương; đồng thời sẽ đẩy nhanh thực hiện dự án VSIP III.

PHƯƠNG LÊ

Kỳ 3: Doanh nghiệp Bình Dương vươn ra khu vực

Chia sẻ bài viết
Tags
ASEAN

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=761
Quay lên trên