Dầu Tiếng: Giao thông nông thôn lan tỏa rộng khắp

Cập nhật: 03-08-2019 | 06:03:53

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện Dầu Tiếng phát triển rộng khắp, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đây là thành quả của sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.

 Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã An Lập được nhựa hóa Ảnh: HỒNG NGA

 Nhân dân góp sức

Ông Nguyễn Thành Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết với sự trợ giúp của tỉnh và huyện, xã đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2014. Hiện xã vẫn tiếp tục huy động sức dân nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt tiêu chí GTNT, bởi trên địa bàn xã Thanh An có Cụm công nghiệp Thanh An nên giao thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các tuyến đường GTNT đã kết nối các ấp, các xã giáp ranh, tạo diện mạo mới giúp bộ mặt nông thôn của xã thêm khởi sắc. Chỉ tính trong giai đoạn 2014- 2018, xã đầu tư xây dựng 40 công trình đường GTNT với kinh phí 30,597 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp tiền, hiến đất, cây trồng trên 4 tỷ đồng; có 58 tuyến đường giao thông nông thôn dài 65,917km được nhựa hóa, bê tông hóa, có hệ thống chiếu sáng đạt 70%.

Theo ông Trần Thiện Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa, để tạo điều kiện cho xã hoàn thành công tác xây dựng đô thị, huyện đã đầu tư thi công một số công trình quan trọng giúp địa phương có thêm xung lực phát triển kinh tế, đô thị, điển hình như dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị Long Hòa với vốn đầu tư gần 54 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí địa phương và vận động nguồn lực tại chỗ, xã Long Hòa đã nâng cấp nhiều tuyến đường xã ở các ấp với tổng chiều dài gần 5km, kết cấu đường bê tông nhựa. Đến nay, 100% tuyến đường ở xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa... giúp giao thông thông suốt, kết nối Long Hòa với trung tâm thị trấn Dầu Tiếng.

Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Lập, chia sẻ xác định phát triển hạ tầng GTNT là động lực để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường GTNT. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay toàn xã có 17 tuyến đường trục ấp, đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; đường ngõ, xóm vào khu dân cư các ấp gồm 40 tuyến, dài 26,1km được cứng hóa bằng sỏi đỏ, không còn lầy lội vào mùa mưa.

Điều đáng mừng là từ năm 2014 đến nay xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 8 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng mức đầu tư xây dựng GTNT của xã. Nhờ đó góp phần để xã hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Nhựa hóa GTNT

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phong trào GTNT - chỉnh trang đô thị (CTĐT) huyện, cho biết để phong trào ngày càng đạt hiệu quả cao, bên cạnh những chủ trương, giải pháp chung, ban chỉ đạo đã nghiên cứu nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các xã, thị trấn trong huyện hoàn thiện hồ sơ khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật ngay từ tháng 1 hoặc tháng 2 và triển khai thi công trong tháng 3 và tháng 4. Nhờ vậy, các công trình giao thông trên địa bàn huyện được thực hiện hoàn thành và sớm đưa vào sử dụng. Điều quan trọng nữa, các xã, thị trấn trong huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất đai, hoa màu và đóng góp kinh phí, ngày công thực hiện các công trình làm đường GTNT.

Từ những giải pháp nói trên, những năm qua công tác xây dựng GTNT -CTĐT của huyện đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch tỉnh giao. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, huyện đã thực hiện được 86 tuyến với 64 công trình, chiều dài trên 60,6km, tổng kinh phí thực hiện 60,425 tỷ đồng. Trong tổng vốn đầu tư các công trình này, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là 57,497 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3,099 tỷ đồng. Đến nay, đã có 8/12 xã, thị trấn trong huyện hoàn thành công tác làm đường GTNT - CTĐT năm 2019, các xã còn lại dự kiến hoàn thành trong quý III-2019.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019 huyện tập trung mở rộng, nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến tại khu vực trung tâm xã, khu dân cư với 126 tuyến, 99 công trình, chiều dài trên 90km, kinh phí trên 101 tỷ đồng. Để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, huyện tiếp tục vận động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường GTNT, bảo đảm không có đường GTNT lầy lội vào mùa mưa.

Bên cạnh đó, địa phương nâng cấp, mở rộng nhựa hóa (bê tông nhựa, láng nhựa) các tuyến đường tại khu vực trung tâm xã, các tuyến đường trục ấp với quy mô cấp A, B theo tiêu chuẩn đường GTNT. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2019, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa ở các tuyến đường GTNT đạt từ 28% trở lên, đến năm 2020 đạt trên 30%. Có thể thấy, việc thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra trong xây dựng hạ tầng GTNT đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ở Dầu Tiếng thêm khởi sắc.

 Đến nay, toàn huyện Dầu Tiếng có trên 190,5km đường GTNT được nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến đường huyện và đường xã, ngõ, xóm cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn.

 HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=566
Quay lên trên