Dầu Tiếng: Kỳ vọng công nghiệp tăng tốc

Cập nhật: 23-12-2019 | 07:57:39

 Năm 2019, tình hình hình kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát triển ổn định. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí mới của Trung ương và của tỉnh. Riêng xã Thanh An đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

 Năm 2019, ngành công nghiệp của huyện tăng trưởng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Mai Thảo, xã Minh Thạnh. Ảnh: HỒNG NGA

 Kinh tế phát triển toàn diện

Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện ước đạt hơn 6.653 tỷ đồng, tăng 22,2%; thương mại - dịch vụ ước đạt 4.873 tỷ đồng, tăng 12,8%; nông nghiệp ước đạt hơn 4.039 tỷ đồng, tăng 5,6%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 57 triệu đồng/năm, vượt so với kế hoạch đề ra (55 triệu đồng/ người/năm); thu ngân sách trên 1.539 tỷ đồng (kế hoạch thu 1.397 tỷ đồng).

Trong năm, huyện thu hút 15 doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp Thanh An đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đến nay lên 369 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 5.596 lao động. Bên cạnh đó, dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân, dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 và Cụm công nghiệp An Lập hiện đã có chủ đầu tư, đang triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục.

Về nông nghiệp, cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, với tổng diện tích 49.800 ha. Toàn huyện có 217 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 148 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, huyện có 660 ha cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thanh Tuyền, Thanh An. Hàng năm, nông dân trồng măng cụt, sầu riêng trên địa bàn đều đạt giải cao tại hội thi trái ngon miền Đông Nam bộ.

Huyện thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh. Cùng với đó, địa phương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây có múi (bưởi da xanh, cam xoàn, cam sành, quýt đường) đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các xã Minh Hòa, Minh Thạnh.

Huyện cũng đầu tư xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân, thuốc thông qua hệ thống tưới cho cây ăn trái tại các xã Định Thành, Minh Hòa, Thanh An với diện tích 21 ha. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Huyện còn có 105 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với ngành thương mại - dịch vụ, năm 2019 huyện cấp mới 581 giấy phép kinh doanh cho các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký gần 189 tỷ đồng. Đồng thời, huyện đã tổ chức thành công chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Những cơ hội mới

Xã Long Tân là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế của huyện. Hiện trên địa bàn xã có 2 doanh nghiệp Nhà nước, trên 10 doanh nghiệp tư nhân, giải quyết việc làm cho trên 350 lao động địa phương và địa bàn lân cận. Năm 2019, tổng lợi nhuận của các do anh nghiệp này đạt trên 25 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân (với 100,4 ha nằm trên địa bàn xã) đang được triển khai. Cùng với đó, UBND huyện đã chấp thuận mở Cụm công nghiệp Long Tân với diện tích 75 ha. Đây là cơ hội để lĩnh vực công nghiệp của xã đột phá trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Chủ tịch UBND xã Long Tân, cho biết năm 2020, ưu tiên hàng đầu của địa phương là tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp, nhân dân đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với những giải pháp đề ra sát với thực tế, phù hợp với chủ trương chung, địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đối với xã Thanh Tuyền, cơ cấu kinh tế của địa phương tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng đã đề ra, năm 2019 nông nghiệp chỉ còn chiếm 39%. Địa phương quyết tâm năm 2020, thương mại - dịch vụ và công nghiệp sẽ chiếm 70 - 80% trong cơ cấu kinh tế của xã. Để đạt được mục tiêu này, xã đang kết hợp với các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp về đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương…

Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết năm 2020 huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng với các địa phương để tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Đồng thời, huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích tinh thần, hoạt động khởi nghiệp của nhân dân; gắn phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Huyện sẽ sớm đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái núi Cậu…

 Hiện công nghiệp của huyện đang phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Địa phương phấn đấu đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 lên 36%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng.

 HỒNG NGA

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên