Không có nhiều lợi thế như các huyện, thị khác, Dầu Tiếng có khá nhiều thiệt thòi khi đặt ra vấn đề phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”, địa phương này đang tận dụng tối đa những ưu thế của mình để tạo bước đệm cho ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ “cất cánh”.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế của huyện nhà, lãnh đạo Dầu Tiếng đã và đang tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày một kiên cố, hiện đại. Đây có thể coi là một bước đệm ban đầu cho sự phát triển kinh tế đa ngành nghề của địa phương này trong tương lai.
Trong một môi trường khá “hoang sơ” như Dầu Tiếng cách đây vài năm, không mấy ai nghĩ địa phương này sẽ có hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện như hiện nay. Hệ thống cầu, đường nhựa lưu thông đến các huyện, thị và các tỉnh lân cận đang được hoàn thiện; điện, nước sạch đã phủ đều khắp địa bàn huyện với con số đáng ngạc nhiên (99,78%); trường học, bệnh viện được xây mới rất tiện nghi, hiện đại... đang là tiền đề giúp Dầu Tiếng vươn lên sánh vai cùng các huyện, thị phát triển.
Trong một chuyến công tác đến Dầu Tiếng vào cuối tháng 3-2013, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đi trên con đường ĐT744. Nếu cách đây vài năm, con đường này nhỏ hẹp, đầy “ổ voi, ổ gà” thì thời gian gần đây, “con đường này đã rộng thênh thang và láng bóng nhựa đường”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Công, người dân xã Thanh An (Dầu Tiếng) vui mừng: “Hồi trước đường sá khó khăn, ai cũng ngán phải đi đây đi đó, nhưng từ hồi đường ĐT744 được đầu tư xây dựng thì dễ dàng hơn rồi”. Ông Công khoe, “mỗi tuần đều chở vợ con đi Thủ Dầu Một mua sắm và dạo phố phường”.
“Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ thương mại ở Dầu Tiếng là khá lớn. Điều khiến doanh nghiệp chưa dám mạnh tay đầu tư vào đây một phần vì địa phương này chưa tích cực tuyên truyền, quảng bá và vận động. Phần còn lại là “do nền kinh tế chung đang trong thời gian khủng hoảng nên các doanh nhân không dám vung tay”.”
Ngoài con đường lưu thông huyết mạch nói trên, hệ thống cầu đường lưu thông đi Bình Phước, Tây Ninh cũng đang được sửa sang, xây mới. Hầu hết những công trình đường trục, đường lưu thông liên xã đã được trải nhựa láng bóng. “Nay chạy xe không còn phải ngại khói bụi hay bùn đất nữa”, ông Công kể.
Bên cạnh những trục đường lưu thông, các công trình điện, trường, trạm cũng được chính quyền địa phương thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho biết, hệ thống điện thắp sáng của huyện đã phủ rộng khắp các xã, phường với con số gần như tuyệt đối (99,78%). “Theo quy hoạch của huyện, trong năm nay, các ngành chức năng sẽ phối hợp kéo điện đến những vùng chưa có”, ông Lực cho biết.
Không để thua kém các ngành khác, trong năm 2012 vừa qua, ngành y tế huyện Dầu Tiếng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân toàn huyện. Được biết, những năm trước đây, do cơ sở vật chất của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn huyện còn thiếu thốn nên công tác khám chữa bệnh nên bệnh nhân thường vượt tuyến xuống tỉnh chữa trị, nhưng thời gian gần đây, con số này đã giảm xuống. “Số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ở các bệnh viện trên địa bàn huyện trong năm 2012 tăng cao so với những năm trước”, ông Bùi Công Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng cho biết.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục trên các địa bàn xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí mới của ngành giáo dục. Theo thống kê của ngành chức năng, 100% cơ sở trường trên địa bàn huyện có phòng học rộng rãi, thoáng mát và môi trường yên tĩnh.
Tiềm năng “đợi” nhà đầu tư
Để chuẩn bị cho việc phát triển ngành kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ trong tương lai gần, chính quyền địa phương huyện Dầu Tiếng đã bỏ không ít tâm sức. Theo đó, việc tuyên truyền, vận động nhà đầu tư, người dân đã được lãnh đạo huyện vận dụng tối đa. Đường lên Dầu Tiếng đã khang trang, rộng rãi hơn
Một trong những kỳ vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Dầu Tiếng là phát triển khu du lịch văn hóa, tâm linh núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, nhưng việc làm này trong những năm qua chưa tỏ ra hiệu quả. Sau nhiều năm trăn trở với muôn vàn khó khăn về mặt tài chính, địa lý..., ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho rằng, “để núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng trở thành khu du lịch phát triển, việc đầu tiên phải làm là đầu tư cơ sở hạ tầng”. Theo ông Lực, đi kèm với việc kiến tạo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách và nhà đầu tư là rất cần thiết.
Tuy không có ưu thế về mặt vị trí địa lý nhưng Dầu Tiếng lại có khá nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái. Nằm giữa khu vực hiền hòa của thiên nhiên, địa phương này đang là cái đích nhắm đến của nhiều nhà đầu tư du lịch. Sau một thời gian tìm hiểu tiềm năng du lịch ở khu du lịch núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng, một số doanh nghiệp lữ hành đang gấp rút chuẩn bị những tour đến đây. “Đây là vùng đất giàu tiềm năng du lịch”, một cán bộ nghiên cứu thị trường của Saigontourist nói về huyện Dầu Tiếng.
Nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2020, chính quyền địa phương xác định rõ nông nghiệp là ngành chủ lực của kinh tế toàn huyện, tuy nhiên, việc phát triển kinh tế thương mại dịch vụ và công nghiệp là điều hết sức cấp thiết. “Trước mắt, địa phương sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp về chế biến nông sản, dệt may... về đặt nhà xưởng trên địa bàn huyện”, ông Lực nói. Liên quan đến nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp có ý định về “cắm dùi” làm ăn ở Dầu Tiếng, ông Lực cho biết địa phương sẽ hỗ trợ tối đa trong việc này. “Nguồn lao động phổ thông của huyện Dầu Tiếng rất dồi dào, chỉ sợ không đủ việc để cho họ làm thôi!”, ông Lực nói thêm.
ĐÌNH THẮNG