Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ - Kỳ 1

Cập nhật: 24-03-2016 | 06:44:48

Kỳ 1: Kỳ vọng vào Nghị định của Chính phủ

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT) được Chính phủ ban hành ngày 3-11-2015 (Nghị định 111/2015/NĐ-CP) với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi CNPT. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm. Nghị định này được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) đặt nhiều kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển CNPT.

 Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi  

Theo Bộ Công thương, đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định 111/2015/NĐ-CP, CNPT có vai trò quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. CNPT là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. CNPT không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ”, mà đây là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia.

Nghị định 111/2015/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành CNPT phát triển. Trong ảnh: Hoạt động tại Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Kèm theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Chính phủ cũng ban hành danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển gồm 6 nhóm sản phẩm trong các ngành: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Một nội dung khá mới của nghị định này là việc hình thành Chương trình quốc gia về phát triển CNPT đi kèm với các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, thành lập các trung tâm phát triển CNPT ở các địa phương... Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi này phủ rộng từ khâu nghiên cứu, phát triển cho tới khâu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất sản phẩm. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNPT thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển CNPT, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển CNPT đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; bên cạnh đó được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNPT. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNPT được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển CNPT…

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công thương cho biết, Nghị định 111/2015/NĐ-CP với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi tương đối lớn với CNPT liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như đối với các dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới; quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20% thuộc Danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, lãi suất vay tín dụng, lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng; được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hưởng thêm các ưu đãi về tín dụng đầu tư; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định pháp luật về đất đai.

Ông Quang cho biết thêm, các sản phẩm CNPT thuộc Danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển được ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển CNPT; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm CNPT phát triển phù hợp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Đòn bẩy phát triển

Trong những năm qua, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh sửdụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. CNPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và CNPT kém phát triển đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, Nghị định 111/2015/NĐ-CP được xem là một đòn bẩy giúp các DN ngành này phát triển.

Ông Nguyễn Đình Thi, Tổng Giám đốc Công ty Thiết bị điện năng lượng Elecsun (TX.Tân Uyên) cho biết, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, Nghị định 111/2015/ NĐ-CP sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp DN trong ngành CNPT giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề như nhu cầu nguồn vốn, đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm... Điều này sẽ góp phần tạo đà cho DN chủ động trong sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng xuất khẩu.

Để các mục tiêu của Nghị định 111/2015/NĐ-CP đi vào cuộc sống, ông Quang cho biết hiện Sở Công thương đang tiến hành làm quy trình thủ tục, xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNPT thuộc Danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển theo Thông tư 55 của Bộ Công thương ban hành ngày 30-12-2015.

Phát triển CNPT là một trong những điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm thu hút nhiều loại DN ở nhiều cấp bậc trình độ công nghệ, lấp khoảng cách trình độ công nghệ giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài. Do vậy, phát triển ngành CNPT là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Trong dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế dưới sự tác động của các chính sách từ Trung ương tới địa phương, CNPT được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

Chia sẻ về sự kỳ vọng vào Nghị định 111/2015/NĐ-CP trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trải qua 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã bứt phá từ kế hoạch hóa tập trung sang hội nhập phát triển hoàn toàn vào nền kinh tế thị trường, đời sống của người dân trong cả nước cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, môi trường sản xuất, kinh doanh của DN đã được tạo ra để phát triển và cũng đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền sản xuất trong lĩnh vực CNPT nói riêng hiện còn quá nhỏ bé. Lĩnh vực này đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo. Đặc biệt, Nghị định 111/2015/ NĐ-CP được ban hành đã khẳng định rõ tầm quan trọng của ngành CNPT đối với nền công nghiệp của nước ta nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Theo ông Hoàng, đó chính là “kim chỉ nam” để các DN tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNPT cũng như cộng đồng DN Việt Nam có định hướng trọng tâm phát triển nhằm chung tay cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện các khâu đột phá, tạo đà tăng trưởng, tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do, các sân chơi lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Từ đó góp phần cụ thể hóa chiến lược đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, hiện đại vào năm 2020, tầm nhìn 2030.

 

PHƯƠNG LÊ

 

Kỳ 2: Cho vay đầu tư công nghiệp phụ trợ: Động lực giúp doanh nghiệp phát triển

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=799
Quay lên trên