Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ - kỳ 2

Cập nhật: 25-03-2016 | 06:06:21

Kỳ 2: Cho vay đầu tư công nghiệp phụ trợ: Động lực giúp doanh nghiệp phát triển

Cùng với Nghị định số 111/2015/CP-NÐ ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT), Thông tư 01/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay phát triển CNPT (Thông tư 01/2016/TT-NHNN), có hiệu lực từ ngày 22- 2-2016, sẽ là đòn bẩy, điều kiện mở để doanh nghiệp (DN) trong ngành này tiếp cận nguồn vốn, tạo động lực phát triển.

 “Rộng cửa” để DN tiếp cận nguồn vốn

Ngày 26-9-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2751/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Định hướng phát triển các ngành CNPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 27-2-2012 về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án phát triển các ngành CNPT trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 925/ UBND-KTN ngày 11-4-2012 về việc Hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, công nhận dự án sản xuất sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Hội đồng thẩm định đã thống nhất Danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển của tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Với những chính sách Chính phủ đưa ra trong Nghị định số 111/2015/CP-NĐ sẽ tạo động lực để DN đầu tư phát triển CNPT. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất giày thể thao tại Công ty TNHH Nam Bình (TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Để phát triển CNPT, UBND tỉnh đã bố trí 300 ha trong Khu công nghiệp Bàu Bàng để thu hút, mời gọi đầu tư vào các ngành CNPT. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Định hướng phát triển các ngành CNPT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của Sở Công thương thì chưa có dự án CNPT nào trình Hội đồng thẩm định để được thẩm định và công nhận dự án sản xuất sản phẩm CNPT thuộc Danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển. Nguyên nhân là do những chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg chưa thực sự cụ thể và riêng biệt cho ngành CNPT. Riêng tỉnh Bình Dương cũng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể để thu hút và khuyến khích ngành CNPT phát triển.

Đầu năm 2016, Nghị định số 111/2015/CP-NÐ được triển khai, các chuyên gia kinh tế, DN đặt nhiều kỳ vọng, đồng thời đánh giá chính sách của Chính phủ như đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy ngành CNPT phát triển. Bên cạnh đó, Thông tư 01/2016/TT-NHNN cũng có nhiều điểm thuận lợi, “rộng cửa” để hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn. Theo đó, các DN không chỉ được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn không vượt quá mức lãi suất ngắn hạn cho vay tối đa mà còn được xem xét cho vay tới 70% vốn đầu tư. Ngoài ra, với quy định trong nghị định mới, DN sẽ có lợi hơn do để vay được vốn, DN chỉ phải thế chấp tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác. Ở nhiều điểm khác, nhất là khâu tín dụng đã có những quy định về cho vay ưu tiên, vay ưu đãi từ nguồn Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của dự án; có phương thức riêng về thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề, nội dung đã có sự thay đổi về mức độ như ở khâu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm danh mục hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển được hỗ trợ tối đa đến 50%; Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước… Điều này có thể xem là điều kiện mở, đã và đang tạo ra nhiều động lực giúp DN ngành CNPT phát triển.

DN mong nguồn vốn đến sớm

Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác thương mại với các nước là cơ hội để đưa Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng dần đi tới nền kinh tế phát triển. Việc làm thế nào để các DN vừa và nhỏ làm phụ trợ có thể “chen chân” được vào chuỗi giá trị của các hãng lớn đang được xem như yếu tố cốt lõi của nền công nghiệp trong nước cũng như của tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Đình Thi, Tổng Giám đốc Công ty Thiết bị điện năng lượng Elecsun (TX.Tân Uyên), chia sẻ: “Đã có thời kỳ DN đi vay phải thế chấp lên tới 100% vốn. Nghị định số 111/2015/CP-NÐ xem xét cho vay tới 70% vốn đầu tư, DN chỉ phải thế chấp tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác. Tôi thấy đây là điểm rất thuận lợi cho DN để có được nguồn vốn. Tuy nhiên, để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất, các thủ tục cần phải xúc tiến thực hiện một cách nhanh gọn hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, do đó cần có mức lãi suất tương xứng với thị trường xuất khẩu. Nhà nước và ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN vay vốn, nhất là đối với những DN có năng lực, thâm niên sản xuất, chứng minh được nguồn tài chính mình đang muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh…”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Trăn - Cá sấu Ngọc Sơn (TX.Thuận An), cho rằng Nghị định số 111/2015/CP-NÐ đã được ban hành một cách kịp thời, hợp lý. Trong khi đó, thực hiện theo Thông tư 01/2016/TT-NHNN, DN chỉ phải mất mức thế chấp tối thiểu 15% như quy định mà không phải mất thêm phí nào khi phải chi trả cho sự đi lại lòng vòng. Lúc đó, đồng vốn vay này sẽ mang ý nghĩa đúng là vốn hỗ trợ mà Chính phủ đề ra.

Theo ông Nguyễn Khánh Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Bình Dương, nếu DN đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo đúng quy định, phía ngân hàng sẽ triển khai thực hiện và giải ngân cho DN trong vòng 15 ngày kể từ ngày DN đến ngân hàng cung cấp đủ hồ sơ. Đối với DN vừa và nhỏ, khi đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được ngân hàng phê duyệt rất nhanh, vì Trung ương đã ủy quyền phân cấp cho ngân hàng chi nhánh chủ động phê duyệt. Do đó, vốn sẽ nhanh chóng đến tay DN. Ông Thắng cũng cho biết thêm, chỉ những trường hợp khách hàng có nợ nhóm 2 hoặc bị mất cân đối tài chính, các báo cáo tài chính, kiểm toán thiếu minh bạch... thì mới không đủ điều kiện vay hoặc hồ sơ phải chờ để bổ sung, sửa đổi lại cho đúng với quy định. Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 111/2015/CP-NĐ cũng như Thông tư 01/2016/TT-NHNN, cùng với những chính sách của Vietcombank đã triển khai trong thời gian qua, ngân hàng sẽ thực hiện các thủ tục một cách nhanh gọn nhất nhằm tạo mọi thuận lợi để DN sớm tiếp cận được nguồn vốn.

Theo các chuyên gia, giá trị gia tăng, hay nói rộng hơn là GDP của Việt Nam trong tương lai tùy thuộc vào chính lĩnh vực CNPT, trong bối cảnh việc hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho ngành CNPT càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi Việt Nam và các DN đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Do vậy, việc ra đời Nghị định số 111/2015/CP-NÐ là điều kiện mở, tạo thuận lợi để đồng vốn hỗ trợ đến được tay DN, từ đó tạo động lực để các DN đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều các DN mong đợi nhất là được tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất. Nhiều DN cho rằng ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần sớm thiết lập một cơ chế tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.

 

PHƯƠNG LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=664
Quay lên trên