Có 30 - 40% chết sau khi vào viện mà chưa kịp phẫu thuật, cộng với tỷ lệ tử vong sau mổ cấp cứu khoảng 40 - 50% làm cho tỷ lệ tử vong do vỡ phình động mạch chủ (ĐMC) bụng (ĐMC) lên đến 80 - 90%.
Từ ngày 14 đến 29-3-2013, giáo sư Jean-Baptiste Ricco, Chủ tịch Hội Phẫu thuật mạch máu châu Âu, một chuyên gia uy tín và kinh nghiệm hàng đầu của châu Âu trong phẫu thuật và đặt stent ĐMC bụng sẽ đến hợp tác làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Sự kiện này khiến nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi vậy đây là bệnh gì và đã xuất hiện ở nước ta hay chưa?
Một ca phẫu thuật điều trị vỡ phình động mạch chủ bụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi
Theo phân tích của bác sĩ Lê Thanh Phong - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, phình ĐMC bụng là một bệnh thường gặp. Ở Anh, hàng năm có khoảng 10.000 người tử vong vì vỡ phình ĐMC bụng còn ở Mỹ là khoảng 8.500. Tuy nhiên, số thực sự còn có thể cao hơn nhiều vì theo ước tính có khoảng 35 - 50% bệnh nhân vỡ phình ĐMC bụng bị chết trước khi vào viện. Có 30 - 40% chết sau khi vào viện mà chưa kịp phẫu thuật, cộng với tỷ lệ tử vong sau mổ cấp cứu khoảng 40 - 50% làm cho tỷ lệ tử vong do vỡ phình ĐMC bụng lên đến 80 - 90%. Ở nước ta, phình ĐMC bụng là một bệnh thường gặp và tỷ lệ tử vong do vỡ phình còn rất cao (tại TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm nay, các bệnh viện đã ghi nhận được 60 ca). Đó là lý do tại sao cần phải phát hiện bệnh trước khi vỡ.
ĐMC bụng là một động mạch chính bắt đầu từ tim, đi trong lồng ngực và xuống bụng. Trên đường đi, động mạch này cho nhiều nhánh đưa máu đến nuôi não bộ và các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Phình ĐMC bụng là sự dãn khu trú của phần trong ổ bụng của ĐMC. ĐMC bụng có đường kính trung bình khoảng 18mm, có thể thay đổi theo giới tính, kích thước của cơ thể. Đây là một bệnh có liên quan đến sự thiếu hụt các sợi đàn hồi của thành động mạch. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi và ít gặp hơn ở nữ giới và người trẻ tuổi. Theo các ghi nhận trên thế giới thì tần suất mắc bệnh khoảng 4 - 8% ở nam và đặc biệt tăng gấp 3 lần ở những người có yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, có bệnh tắc nghẽn động mạch ngoại biên, bệnh mạch vành hoặc có người thân bị mắc bệnh. Bệnh xơ vữa mạch là nguyên nhân chính của bệnh.
Cũng theo phân tích của bác sĩ Phong thì phần lớn các trường hợp, túi phình sẽ vỡ vào khoang bụng gây mất máu nặng dẫn đến tử vong. Túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Nếu đường kính từ 5 - 6cm, nguy cơ vỡ trung bình 3 - 10%/ năm và tỷ lệ này là 20 -40%/năm đối với túi phình lớn hơn 70cm. Nếu có một kích thước như nhau thì túi phình ở nữ có nguy cơ vỡ cao gấp 3 lần so với ở nam giới.
Thường không triệu chứng
Các chuyên gia về mạch máu của Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định rằng phình ĐMC bụng thường không có triệu chứng, đa số trường hợp là được phát hiện tình cờ khi làm chẩn đoán cho các bệnh khác như siêu âm bụng, siêu âm mạch máu cho bệnh tắc động mạch chi dưới hoặc khi chụp cắt lớp điện toán vùng bụng (CT scan).
Về điều trị, phình ĐMC bụng cần được tiến hành ở bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu. Hiện nước ta đã có 2 phương pháp điều trị: mổ và can thiệp nội mạch. Mổ mở là phương pháp thay túi phình động mạch bằng 1 ống ghép mạch máu nhân tạo. Can thiệp nội mạch là thông qua một đường mổ nhỏ ở vùng bẹn đùi để đặt trong lòng túi phình ĐMC bụng một ống ghép mạch máu được tăng cường bởi stent. Chi phí của can thiệp nội mạch cao hơn nhiều so với mổ mở.
Phát hiện bệnh sớm qua siêu âm
Phình ĐMC bụng có thể tiến triển âm thầm không triệu chứng trong nhiều năm rồi đột nhiên vỡ bất kỳ lúc nào gây mất máu dẫn đến tử vong đến 80 -90%. Do đó, việc phát hiện bệnh trước khi vỡ phình là một việc rất khó nhưng hết sức cần thiết. Chúng ta có thể tự sờ bụng, nếu thấy có khối to đập theo nhịp tim thì nên đến bệnh viện để siêu âm. Nam giới trên 60 tuổi có thể siêu âm bụng để xem có bệnh phình ĐMC bụng hay không, đặc biệt đối với những người hút thuốc lá hoặc có tăng huyết áp, có rối loạn mỡ máu hoặc có người thân bị phình ĐMC bụng.
LƯƠNG DUY CƯỜNG