Người phụ nữ đóng vai trò như thế nào trong việc lựa chọn hàng hóa Việt Nam khi mua sắm; định hướng nào để giới trẻ sử dụng hàng nội địa; doanh nghiệp (DN) trong nước cần làm gì để tiếp tục chiếm được lòng tin của người tiêu dùng (NTD); giải pháp nào chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ DN Việt phát triển thị trường bền vững… Đó là một số nội dung trong buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020 vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thuận An tổ chức.
Thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại vùng xa, khu cụm công nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Vận động trong khó khăn
Trong năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không ít đến các hoạt động tổ chức thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh nói chung và TP.Thuận An nói riêng. Tuy vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Thuận An, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp, DN và các cá nhân, hình thức tổ chức CVĐ trên địa bàn thành phố diễn ra phong phú, tạo sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân và cộng đồng DN.
Ông Trương Công Thạch, Trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động thương mại trong chương trình CVĐ nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung đều trong tình trạng trầm lắng. Ngay khi có thông tin dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trong tháng 6 vừa qua địa phương nhanh chóng xúc tiến tổ chức thực hiện chương trình đưa hàng Việt về phục vụ người lao động tại Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh (phường An Phú). Qua đó tổ chức bán hàng lưu động phục vụ cho người dân với mức giá giảm 10%, ngoài ra còn có các chương trình khuyến mại hoặc tặng quà kèm sản phẩm do các DN tham gia giới thiệu. Tuy hoạt động này gói gọn chỉ trong 3 ngày nhưng đã mang lại cơ hội cho công nhân, NTD địa phương mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam với giá phải chăng, tránh tình trạng khan hàng trong thời điểm Covid-19.
Không chỉ chương trình nêu trên, trên địa bàn TP.Thuận An còn các chương trình khác trong CVĐ. Cụ thể như siêu thị Lotte Mart Bình Dương bố trí thêm các điểm bán hàng ngoài siêu thị khi có nhu cầu. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tổ chức chương trình bán hàng ưu đãi cho công nhân, lao động. Hội Chữ thập đỏ tổ chức mô hình “Chợ nhân đạo”. Các siêu thị tiện ích như Vincom, Family Mart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart trên địa bàn các xã, phường tổ chức bán hàng bình ổn giá. Cùng với đó thành phố ưu tiên thực hiện các hoạt động phổ biến về “Ngày Quyền của NTD Việt Nam”; “Hỗ trợ DN ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất; tăng cường tuyên truyền các nội dung của CVĐ đến các nhà trọ, các chợ, tiểu thương… Tất cả các hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân mua sắm hàng Việt Nam có chất lượng với giá cả hợp lý, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng hóa sản xuất trong nước.
Nhiều giải pháp
Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người Việt Nam tin dùng hàng chất lượng tốt với các thương hiệu trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng, nổi bật như Vinamilk, Việt Tiến, gốm sứ Minh Long, mây tre lá Thành Lộc… Khảo sát của chúng tôi cho thấy, từ trong và sau dịch bệnh Covid-19, rất nhiều NTD chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Một minh chứng rõ hơn là trong nhiều sản phẩm phòng dịch, khẩu trang chống giọt bắn bằng vải kháng khuẩn sản xuất trong nước là lựa chọn tối ưu của nhiều người dân. Chị Huỳnh Thị Thảo, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết: “Khi có dịch bệnh Covid-19, siêu thị Lotte Mart đã nhanh chóng đáp ứng nguồn hàng cho NTD. Gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn của các công ty trong nước sản xuất. Không chỉ dễ chịu khi sử dụng, góp phần phòng dịch tốt, mà giá bán rất hợp lý”. Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích và các chợ, cửa hàng tạp hóa chiếm từ 70% trở lên.
Rõ ràng, với các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, hỗ trợ kích thích tiêu dùng, hỗ trợ DN, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa… tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ của địa phương có mức tăng trưởng cao, bình quân 20% mỗi năm. CVĐ đã tạo chuyển biến tích cực trên cả 2 lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Tuy vậy, để thực hiện mục tiêu kép trong giai đoạn hiện nay là vừa phát triển kinh tế vừa chủ động đối phó với dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy thị trường trong nước, hàng Việt phát triển sâu rộng và bền vững tại thị trường vẫn cần nhiều giải pháp. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Thạnh, nhận xét trong bối cảnh cạnh tranh, tự do hóa thương mại ngày càng cao nhưng còn nhiều DN, nhà sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, mẫu mã. Mặt khác, vẫn có không ít DN tư nhân lợi dụng tham gia tổ chức hội chợ thương mại lấy danh nghĩa đưa hàng trong nước đến để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng tồn kho, hàng nhái làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin NTD. Từ đó, làm giảm đi ý nghĩa thiết thực CVĐ.
Cùng với đó, công tác phối hợp của các lực lượng chức năng ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NTD. Vẫn còn những DN chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, tình trạng hàng giả hàng nhái còn tồn tại. Vì vậy các đội quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra giám sát xử lý các hành vi vi phạm về chất lượng, nguồn gốc, giá cả… nhất là trong các dịp lễ tết, góp phần bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi NTD.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thuận An, cho biết: “Không khó để nhận thấy tư tưởng sính hàng ngoại vẫn còn phổ biến trong nhân dân, mặc dù có những mặt hàng Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế. Song, nguyên nhân chính vẫn do một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự đạt chất lượng cao, giá cả chưa hợp lý. Từ đó, dẫn đến có sự so sánh của NTD khi lựa chọn”. Cũng theo ông Huỳnh Văn Sơn, hiện nay, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong khâu chế biến, bảo quản vẫn chưa được bảo đảm. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo. Song song đó công tác thanh tra, hậu kiểm xử lý công khai các cơ sở vi phạm, rút giấy phép sản xuất, kinh doanh cần quyết liệt hơn. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của DN, bảo đảm được quyền lợi của NTD.
THANH HỒNG