Thời đại 4.0 tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Và để giải bài toán bảo tồn và phát triển làng nghề không còn cách nào khác hơn là các DN nỗ lực lớn cho sự kết hợp giữa gìn giữ truyền thống song hành cùng áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất.
Đưa ra giải pháp cho bài toán thị trường thì rất dễ song để thực hiện được thì vẫn có nhiều thách thức. Vấn đề nằm ở chỗ cơ sở sơn mài là các DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, việc đầu tư máy móc, công nghệ không thể có thể giải quyết được ngay. Thêm vào đó, với thị trường nhỏ lẻ hiện nay, dẫu có đủ tiềm lực cũng rất khó khăn để các đơn vị đưa ra quyết định đầu tư vốn liếng lớn. Bởi trong sản xuất, kinh doanh, bài toán giữa đầu tư và thu hồi vốn, lợi nhuận luôn được tính toán rất kỹ lưỡng.
Tuy vậy, vấn đề này được các nghệ nhân nhìn ở góc tươi sáng hơn là hiện nay một số trường đại học nghệ thuật ứng dụng đã đầu tư theo xu hướng hiện đại từ máy móc thiết bị cho ngành mỹ thuật công nghiệp, công nghệ sáng tạo cho sinh viên thực tập như máy in 3D, khắc laser, CNC… nhằm hỗ trợ cho sinh viên thiết kế mẫu mã. Đây sẽ là điểm tựa lớn cho ngành sơn mài khi thông qua việc kết hợp, các trường có thể giúp đỡ cho DN, cơ sở, làng nghề tiếp cận với thiết bị mới phục vụ phát triển sản xuất.
Thiết nghĩ, nếu có sự phối hợp tốt giữa nhà trường với các cơ sở, nghệ nhân, thợ giỏi, đưa nghệ thuật sáng tác, kỹ thuật sản xuất nguyên vật liệu truyền thống độc đáo vào giảng dạy, thực hành cho sinh viên thì đây sẽ là một giải pháp tốt để bảo tồn và phát triển làng nghề và nâng cao chất lượng giảng dạy. Làng nghề truyền thống sẽ có một lực lượng thiết kế trẻ trung, giàu sức sáng tạo.
TIỂU MY