Để hàng Việt lan tỏa về nông thôn

Cập nhật: 07-11-2018 | 08:21:01

Trong những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp, các ngành liên quan trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Hưởng ứng cuộc vận động này, nhiều hoạt động thiết thực đã được các ngành tổ chức, tạo sự lan tỏa hàng Việt đến với người dân trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn. Trong đó, chương trình “Phiên chợ vui - hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) chủ trì tổ chức đã góp phần to lớn vào kết quả chung của việc đưa hàng Việt đến người tiêu dùng.

 Người dân tham quan, mua sắm tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại TX.Thuận An. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Hiệu quả thiết thực

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, được sự chỉ đạo của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay trung tâm đã phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị trong tỉnh triển khai thực hiện thành công 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp. Kết quả mỗi phiên chợ có trung bình từ 10 - 15 doanh nghiệp tham gia với quy mô 30 - 45 gian hàng. Các phiên chợ đã thu hút trên 40.000 lượt người đến tham quan, mua sắm; tổng doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đóng góp ủng hộ 30 phần quà/chương trình cho người dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi phần quà từ 300.000 - 500.000 đồng.

Điều đáng chú ý, tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua, 100% số mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Doanh nghiệp tham gia các phiên chợ còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá... Chị Nguyễn Thị Diễm Hương, ở khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, cho biết thời gian qua hàng hóa bày bán tại hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn thường là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, với mẫu mã đa dạng, giá bán hợp lý, cho nên hàng Việt ngày càng được khách hàng khu vực nông thôn trong tỉnh ưa chuộng.

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, kết quả nổi bật của việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt của người dân trong tỉnh. Qua chương trình này, người dân khu vực nông thôn trong tỉnh còn có thêm cơ hội mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó người dân có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những mặt hàng ngoại nhập được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Tăng sức hút của chương trình

Tuy vậy, theo ghi nhận, thời gian qua tại một số phiên chợ hàng Việt ở nông thôn, sự cam kết uy tín của hàng Việt còn thấp, không ít doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Nhiều người dân ở vùng nông thôn trong tỉnh không thường xuyên đến các trung tâm mua sắm ở thành thị cho nên họ mong chờ có các hội chợ, phiên chợ tổ chức ở quê nhà để được mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, vừa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả lại hợp lý. Mong muốn là thế, nhưng trên thực tế vẫn còn những phiên chợ hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, thậm chí tại một số phiên chợ hàng Việt vẫn còn có doanh nghiệp lợi dụng, trà trộn bày bán sản phẩm kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số nơi trong tỉnh còn coi việc doanh nghiệp tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ cuối năm, cho nên mạnh ai nấy làm. Do vậy một số phiên chợ hàng Việt về nông thôn diễn ra nhàm chán, hàng hóa đơn điệu, thiếu sự liên kết.

Ông Dũng cho biết để người tiêu dùng thật sự tin dùng hàng Việt và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa sâu rộng trong xã hội hơn nữa, đòi hỏi cần có chiến lược lâu dài, sự đồng bộ và hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động của các ngành, các cấp trong tỉnh. Đối với doanh nghiệp sản xuất, cần cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng tới tận tay người dân; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, xây dựng lòng tin và chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững. Các doanh nghiệp cũng cần chú ý mở rộng, phát triển đại lý, nhà phân phối, khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Đối với cơ quan Nhà nước, cũng nên bố trí thêm kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa, phòng chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1255
Quay lên trên