Đề xuất thành lập công ty mua bán nợ: Liều thuốc để vực dậy thị trường bất động sản?

Cập nhật: 18-06-2012 | 00:00:00

Trước thông tin về đề xuất thành lập công ty mua bán nợ (MBN) trị giá 100.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM), chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu nợ xấu này đến từ đâu? Vấn đề được Tiến sĩ (TS) Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích như sau:

Vì sao phải cứu?

Theo TS Lê Đạt Chí, nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến cho các ngân hàng (NH) có nguy cơ sụp đổ. Một trong những giải pháp thường được thực hiện là thành lập công ty MBN nhằm làm sạch bảng cân đối tài khoản của các NH. Trong quá khứ, các NHTM Việt Nam cũng đã gặp vấn đề này và từ mỗi NH đã có thành lập các công ty quản lý tài sản để tiến hành mua lại các khoản nợ xấu này. Tuy nhiên, một công ty MBN của Nhà nước được thành lập để xử lý nợ xấu thì chưa xảy ra và đang được đề xuất. Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động kinh doanh năm 2011, ngành NH vẫn là ngành có kết quả kinh doanh thuộc loại tốt nhất trong nền kinh tế.

 Phải chăng thực chất của việc thành lập công ty MBN là để “giải cứu” nhằm vực dậy thị trường BĐS vốn đang bị “đóng băng”? (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Quốc Chiến

“Theo thống kê của chúng tôi từ 31 NHTM (không tính các NH chưa công bố thông tin, trong đó có NH Agribank), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân toàn ngành 23,6%; tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) ước ở mức 15%. Mặc dù mức sinh lợi này là thấp hơn so với thời kỳ hoàng kim của ngành NH, nhưng lại là niềm mơ ước của nhiều ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) sản xuất đang đối diện với nguy cơ thua lỗ và phá sản”, TS Lê Đạt Chí phân tích.

Sở dĩ ngành NH có được mức lợi nhuận khả quan là do hưởng lợi chênh lệch lãi suất (LS) huy động và cho vay. Trong khi LS huy động bị ấn định trần thì LS cho vay lại theo hình thức thỏa thuận nên đã tạo ra một khoảng cách khá lớn. Việc xử lý nợ xấu của ngành NH chỉ được đặt ra khi nợ xấu vượt quá sức chịu đựng khiến NH có thể rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Chính phủ và NHNN lúc này buộc phải cứu ngành ngân NH vì nếu không nền kinh tế sẽ thiếu vốn. Thế nhưng, hiện nay các NH trong nước lại đều đang thặng dư thanh khoản. Bằng chứng rõ ràng nhất là LS cho vay trên thị trường liên NH đang giảm mạnh. Thậm chí, LS cho vay qua đêm của VND đã giảm xuống còn 0,5%, thấp hơn cả đáy năm 2007. Nguyên nhân khiến cho các DN không tiếp cận được vốn hiện nay là do LS quá cao chứ không phải vì NH thiếu tiền. Do đó, nếu cho rằng xử lý nợ xấu của NH và kỳ vọng các NH dùng khoản tiền này bơm cho các DN thì giống như chuyện “ôm cây đợi thỏ”!

Thực chất là cứu ai?

Vậy tại sao phải cứu ngành NH khi những con số được báo cáo là rất đẹp. TS Lê Đạt Chí lý giải: “Có thể xuất hiện một lý do khác là những con số lợi nhuận của NH Việt Nam là không thực, tức chưa phản ánh hết các rủi ro nợ xấu. Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu của ngành NH Việt Nam là khoảng 3,6% vào cuối quý I-2012. Tuy nhiên, theo công bố của Fitch Rating, nợ xấu của NH Việt Nam có thể là 13%, tức gấp 4 lần con số được công bố!”.

Năm 2011, tổng lợi nhuận trước thuế của 31 NHTM (đã nói ở trên) là gần 49 ngàn tỷ đồng. Cũng trong năm này, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 31 NHTM nói trên là khoảng 1.600 ngàn tỷ đồng và số nợ xấu vào khoảng 55 ngàn tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng dư nợ. Với con số lợi nhuận trên, các NH có thể chịu được mức độ rủi ro nợ xấu lên đến 6,4%, tức cao gần gấp 2 lần số liệu công bố, nếu có thêm 49 ngàn tỷ đồng nợ xấu thuộc nhóm 5 (mất sạch vốn). Tuy nhiên, không phải hoàn toàn số nợ xấu là nợ nhóm 5. Theo báo cáo tài chính năm 2011, thì 31 NHTM nói trên đã trích lập dự phòng 44% tổng số nợ xấu. Giả sử như đây là tỷ lệ hợp lý để cho các NH trích lập đúng số rủi ro nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5), thì số nợ xấu có thể chịu đựng thêm là 71,4 ngàn tỷ đồng. Lúc này, các NHTM nói trên có thể chịu đựng tỷ lệ nợ xấu lên tới 7,8% - TS Lê Đạt Chí phân tích và kết hợp luôn thông tin được công bố, nợ xấu của Agribank là 6% trong tổng dư nợ tín dụng 489 ngàn tỷ đồng, tức nợ xấu là khoảng 29,3 ngàn tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu của Agribank đã bằng 53% tổng nợ xấu của 31 NHTM nói trên. Có thể con số nợ xấu của 31 NHTM nói trên là chưa thực, nhưng tỷ lệ trên cho thấy phần nào bức tranh nợ xấu của ngành NH Việt Nam...

TS Lê Đạt Chí mô tả về chuyện nợ xấu và chốt vấn đề bằng một nghi vấn: “Theo thông tin từ Agribank, 80% nợ xấu của họ là đến từ bất động sản (BĐS). Bản thân Agribank cũng cho biết ngành nông nghiệp là an toàn và có lãi. Như vậy, công ty MBN sau khi được thành lập sẽ xử lý một lượng lớn các khoản nợ liên quan đến lĩnh vực BĐS. Thật trùng hợp khi Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng tiết lộ có khoảng 120.000 tỷ đồng đầu tư công dự kiến giải ngân vào ngành BĐS. Phải chăng, việc xử lý nợ xấu là một trong những gói giải pháp thực chất để giải cứu cho những DN mắc kẹt bởi BĐS?”.

“Chúng ta có thể học hỏi mô hình xử lý nợ xấu NH của Trung Quốc. Trong đó, NHNN đứng ra bảo lãnh cho các trái phiếu do các công ty MBN phát hành cho các NH được xử lý nợ xấu. Sau đó, thông qua công cụ dự trữ bắt buộc để trung hòa bớt dòng tiền tại các NHTM. Tuy nhiên, nên rút kinh nghiệm ở chỗ phải minh bạch hóa hoạt động tại các công ty MBN. Thực tiễn của Trung Quốc cho thấy, việc mua bán xử lý nợ xấu luôn gắn với quá trình in tiền. Nên minh bạch hóa hoạt động của công ty MBN, đặc biệt là vấn đề cho vay các công ty MBN, để quá trình điều hành tiền tệ được chính xác!”, TS Lê Đạt Chí nói.

NGUYỄN CAO (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=459
Quay lên trên