Đối với một quốc gia nhiều kênh rạch như Hà Lan, thuyền tự lái mới chính là loại phương tiện giao thông được các nhà nghiên cứu tập trung phát triển.
Thuyền tự đồng Roboat đang được nghiên cứu để chở người - Ảnh: AMS
Dự án có tên Roboat do Học viện công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) và hai đại học Hà Lan thực hiện. Tổng chi phí dành cho dự án kéo dài 5 năm này là 27 triệu USD.
Theo ông Carlo Ratti (MIT), chiếc thuyền này sẽ giúp vận chuyển đồ vật và cả con người.
Ngoài ra, những chiếc thuyền có thể được lắp ghép tạo thành cầu bắc qua sông.
Dự kiến Amsterdam sẽ có bản mẫu thuyền tự lái đầu tiên vào năm sau.
Khi cần thiết, các roboat sẽ được lắp ghép để làm cầu - Ảnh: AMS
Dự án Roboat còn nghiên cứu chế tạo ra robot giúp thu thập dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề về sức khoẻ trong cộng đồng.
Trước đây, MIT từng đặt các cảm biến trong cống thoát nước, từ đó trích xuất dữ liệu trong nguồn nước thải của con người để tạo ra bản đồ mô phỏng sự lây lan của các dịch bệnh.
Theo Arjan van Timmeren, giám đốc khoa học Viện Giải pháp đô thị Amsterdam (AMS), dự án mong muốn tạo ra một “mô hình dự báo các dịch bệnh có tiềm năng bùng phát”.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tính đến lợi ích thương mại của sản phẩm và cơ hội bán cho các thành phố lớn khác.
Với khoảng 80% sản lượng kinh tế toàn cầu tập trung tại các khu vực ven biển và đồng bằng, ông Arjan nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo mực nước biển ngày càng tăng do trái đất nóng lên đòi hỏi con người cần chế tạo các loại thuyền tự động để đối phó.
Chở hàng cũng là một trong những chức năng của roboat - Ảnh: AMS
TTO