Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Đông nhấn mạnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 21-5, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, trong hai tuần qua, dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng tiếp tục được khống chế ở hầu hết các địa phương.
Thu giữ gia cầm nhập khẩu để tiêu hủy. Trên cả nước, chỉ có tỉnh Vĩnh Long có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Dịch lợn tai xanh không phát sinh ổ dịch mới, theo dự kiến sang tuần tới, hai tỉnh: Nam Định và Bắc Ninh sẽ công bố hết dịch.
Tuy nhiên, tại tỉnh Long An lại xuất hiện một ổ dịch lở mồm long móng gia súc typ O ở một trại chăn nuôi thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa làm 89 con bò mắc bệnh. Hiện ổ dịch này đã được địa phương quản lý chặt và tiêm phòng bao vây nên không bị lây lan.
Ban Chỉ đạo nhận định, nguy cơ dịch bệnh gia súc tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao, nhất là các địa bàn lân cận vùng dịch và vùng có ổ dịch cũ. Các địa phương phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển, tăng cường kiểm soát giết mổ và triển khai tích cực Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong tháng Năm này nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các ổ dịch.
Mặt khác, các địa phương cần tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm mới H7N9 dù hiện nay chủng này chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh, việc vận động người chăn nuôi gia cầm mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người dân chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm.
Đáng chú ý, tình hình dịch cúm trên đàn chim yến cũng đã được khống chế, không có tình trạng lây lan dịch bệnh và đã công bố hết dịch. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và các đơn vị chức năng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn việc nuôi chim yến và ngày mai (22-5), Bộ sẽ lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư tại TP.HCM.
Theo TTXVN