Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những mục tiêu quan trọng trong cải cách hành chính nhằm hướng đến xây dựng chính quyền điện tử năng động, sáng tạo. Thời gian qua, Bình Dương có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc cung ứng DVCTT, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang thực hiện tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 với 3 thủ tục đơn giản. Vì vậy để triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 4, đáp ứng nhu cầu của người dân, Bình Dương cần nâng cấp thêm tính năng cấp thiết của dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực.
Người dân truy cập dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ Sở TN&MT
Tính năng dịch vụ còn hạn chế
Hiện Sở TN&MT đang thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 với 8/95 thủ tục theo Văn bản số 4774/STNMT-VP ngày 16- 10-2018. Trong đó có 2 thủ tục đăng ký mức độ 4 nhưng chưa thực hiện được do cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp. Tuy nhiên, hiện Sở TN&MT chỉ thực hiện tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 với 3 thủ tục đơn giản.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- Lưu trữ Sở TN&MT, cho biết: “Dung lượng tập tin đính kèm tối đa hiện nay đạt 20MB (tăng so với trước đây là 5MB), tuy nhiên với hầu hết hồ sơ của sở dung lượng khá lớn, tối đa là 150MB (nhất là đối với hồ sơ môi trường và khoáng sản). Đối với một số hồ sơ cần cung cấp giấy tờ bản chính (như hồ sơ đất đai), người dân phải nộp hồ sơ bản chính sau khi hồ sơ đã nộp qua mạng để bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ. Đối với việc phản hồi hồ sơ qua mail cho người dân, hiện nay sở chỉ phản hồi qua email đối với hồ sơ đã được tiếp nhận thành công. Hồ sơ chưa đầy đủ để tiếp nhận, người dân không nhận được phản hồi qua email, chỉ nhận được thông tin khi đăng nhập trên tài khoản của ứng dụng, tuy nhiên cũng không xem được nội dung phản hồi. Ngoài ra, đối với hồ sơ trả không tiếp nhận, người dân không thể bổ sung và chuyển nộp lại, ứng dụng yêu cầu người dân phải tạo và nộp lại hồ sơ mới. Ngay cả khi hồ sơ hoàn thành, ứng dụng chưa có chức năng phản hồi, thông báo kết quả giải quyết cho người dân. Bên cạnh đó, một số thủ tục, đối tượng sử dụng chủ yếu là cá nhân, trong đó có đối tượng lớn tuổi, người dân lao động không sử dụng email” .
Ông Trung cho biết thêm, hiện trên phần mềm một cửa điện tử chưa phân loại được các dạng hồ sơ (nộp/nhận hồ sơ trực tiếp và trực tuyến); chưa có chức năng thống kê đối với hồ sơ nộp trực tuyến. Trên ứng dụng dịch vụ công, chưa có chức năng đính kèm thêm một số giấy tờ khác, không có tên như trong danh mục quy định mà người dân muốn cung cấp thêm cho cơ quan Nhà nước.
Đối với việc đăng ký thực hiện DVCTT mức độ 4 theo yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh. hiện sở có 95 thủ tục hành chính đã được công bố công khai theo Quyết định số 1801/ QĐ-UBND và Quyết định số 291/QĐ-UBND. Sở TN&MT đang trình UBND tỉnh bãi bỏ 10 thủ tục và thêm mới 4 thủ tục theo quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ TN&MT. Căn cứ văn bản hiện hành, đến thời điểm hiện nay sở có 89 thủ tục, trong đó có 1 thủ tục nhận theo đường văn bản đến từ UBND tỉnh, do đó còn 88 thủ tục. Như vậy, để đạt tỷ lệ tối thiểu 30% DVCTT thực hiện mức độ 4 theo chỉ đạo Chính phủ, UBND tỉnh, Sở TN&MT đăng ký thực hiện DVCTT mức độ 4 với 27/88 thủ tục (Trong đó có 6/8 thủ tục đang áp dụng dịch vụ công mức độ 3, đăng ký nâng lên mức độ 4)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, vừa qua Sở TN&MT đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề đối với Sở Thông Tin và Truyền thông. Cụ thể, cần nâng cấp dung lượng tập tin đính kèm, đạt tối đa 150MB để có thể triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trên ứng dụng này. Nâng cấp các tính năng phản hồi hồ sơ cho người dân như thêm chức năng phản hồi thông tin hồ sơ qua điện thoại để thuận tiện cho các đối tượng sử dụng. Kiểm tra lại các tính năng phản hồi thông tin cho người dân khi hồ sơ chưa đạt yêu cầu hoặc hồ sơ đã hoàn thành cho người dân biết. Đồng thời, kiểm tra lại việc xuất biên nhận điện tử khi hồ sơ được tiếp nhận thành công. Cải tiến tính năng nộp lại hồ sơ sau khi hồ sơ được trả do chưa đầy đủ nhằm tạo thuận tiện cho người dùng, không mất nhiều thời gian cho việc nộp hồ sơ. Cần thêm chức năng đính kèm “Nội dung khác” để người dân có thể cung cấp thêm các giấy tờ không có tên như trong danh mục quy định (nếu có).
Theo ông Nguyễn Thành Trung, để việc đăng ký thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công mức độ 4 được triển khai thực hiện hiệu quả, Sở TN&MT kiến nghị xem xét nâng cấp một số tính năng cấp thiết của dịch vụ trong phần thực trạng và đề xuất kiến nghị đã nêu tại mục 1 nhằm nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong sử dụng dịch vụ. Ứng dụng cho phép đính kèm văn bản trả hồ sơ, thông báo nội dung chỉnh sửa để người dân thuận tiện xem văn bản trả hồ sơ qua mạng.
PHƯƠNG AN