Điều giản dị của những tấm lòng

Cập nhật: 13-11-2015 | 08:22:38

“Và tôi thực sự cảm thấy mình thiếu sót khi không viết về một người chị - một đồng nghiệp…”, đó là cảm xúc của cô giáo Phạm Thị Hạnh, trường Tiểu học Tân Thới (TX.Thuận An) khi đặt bút viết lên nỗi niềm tâm sự chân thành về người tri kỷ của mình qua bài dự thi viết về “Người phụ nữ tôi yêu” do Phòng Văn hóa thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ TX.Thuận An vừa tổ chức.


Cô Phạm Thị Hạnh
(bìa trái), trường Tiểu học Tân Thới (TX.Thuận An) đoạt giải nhất cuộc thi

Cuộc thi viết về “Người phụ nữ tôi yêu” năm nay được phát động sâu rộng trong cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, học sinh và nhân dân. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 796 bài dự thi. Mỗi bài dự thi là một cảm xúc riêng, tình cảm riêng mà tác giả đã dành những lời chân thành nhất đến các chị, các mẹ, em gái, bà nội, bà ngoại, người vợ… mà mình yêu quý. Trong đó, hai bài viết của cô giáo Phạm Thị Hạnh (đoạt giải nhất) và cô giáo Nguyễn Ngọc Vân (giải nhì) cùng công tác tại trường Tiểu học Tân Thới đã để lại ấn tượng sâu sắc.

Tâm sự với chúng tôi, cô Vân kể, sở dĩ, viết về hình tượng cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân (hiện đang công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo TX.Thuận An) là bởi, cô Ngân không chỉ là một đồng nghiệp và gần gũi hơn đó chính là người chị, người bạn trong cuộc sống. Cách đây vừa tròn 20 năm, ngày mà cô Vân bước chân vào nghề, ấn tượng đầu tiên của một sinh viên ra trường chính là ánh mắt trìu mến của cô Ngân. Ánh mắt đó dù đã qua rất lâu, nhưng trong trái tim cô Vân vẫn còn vẹn nguyên, mang sức sống trong cuộc đời của cô. Trong bài viết, cô Vân xúc động đã bày tỏ nỗi niềm rằng, “chị ơi, dẫu không là chị em cùng chung huyết thống, không có họ hàng thân thuộc, cũng không phải hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau… nhưng từ trong trái tim em, chị hơn cả một người thân của em”. Tháng 9-1995, cô Nguyễn Ngọc Vân vào công tác tại trường Tiểu học Bình Chuẩn. Lúc đó, cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân đang là Phó Hiệu trưởng của trường (những năm 1995-2004). Với sự tận tụy, chịu khó đối với công việc, thương yêu giúp đỡ đối với đồng nghiệp của cô Ngân khiến cô Vân ngày càng yêu mến. Cô Vân chia sẻ, chị Ngân là người phụ nữ giàu nghị lực, đầy nhiệt huyết và đã truyền ngọn lửa ấy đến với cán bộ, công chức, giáo viên trong ngành. Đó chính là phẩm hạnh của một nhà giáo khiến cô Vân luôn học tập noi theo để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Tấm lòng ấy được gieo giữa cuộc đời này, để cuộc sống mãi tốt đẹp. Đó cũng là cảm xúc của cô giáo Phạm Thị Hạnh khi viết về người đồng nghiệp, người chị, cô giáo Nguyễn Ngọc Vân. Cô Hạnh chia sẻ: “Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, hình ảnh chiếc áo dài của các cô giáo đã làm mình ao ước”. Rồi cái ngày mong ước ấy cũng đã trở thành hiện thực. Với cô, hình ảnh ấy đã truyền cảm hứng để cô viết người cô, đồng thời là đồng nghiệp của mình, cô Nguyễn Ngọc Vân. Mỗi tâm sự về cô Vân đều là những cảm xúc chân thành, giản dị. Bởi hơn 20 năm qua với bao thăng trầm trong cuộc sống, cả niềm vui lẫn nỗi buồn của cô Vân đã mang lại niềm tin đối với cô Hạnh. Đặc biệt, cô rất tự hào về cô Vân bởi những thành tích đáng nể. Hình ảnh cô giáo Vân sẽ mãi mang một ấn tượng, là niềm tự hào đối với thế hệ nhà giáo trẻ như cô Hạnh.

Mỗi bài viết là một cảm xúc về người phụ nữ đáng mến trong cuộc sống. Hình ảnh ấy luôn sống trong mỗi chúng ta. Để tấm lòng, nối nhịp tấm lòng, để tình yêu thương luôn được lan tỏa trong nhịp sống ngày nay.

LÊ VÕ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1065
Quay lên trên