Thời gian qua, tại Bắc Tân Uyên phát triển khá mạnh các khu, điểm du lịch, hình thành chủ yếu từ các hộ gia đình, tận dụng lợi thế tự nhiên sẵn có để đầu tư, khai thác theo mô hình sinh thái vườn, trải nghiệm… Đặc trưng chung của điểm du lịch tại đây là có quy mô vừa và nhỏ. Một số gia đình, trang trại vì yêu thích mà lấn sân sang kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc khai thác du lịch dựa trên các giá trị tài nguyên bản địa… Chính cái “tay ngang” làm du lịch, rất khó định vị trong lòng du khách.
Mọi thứ chỉ là bước khởi đầu, đại đa số chủ cơ sở chưa được đào tạo về chuyên ngành nên đôi khi có phần lúng túng, khó khăn trong việc vận hành loại hình kinh doanh đặc biệt này dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, yếu về năng lực cạnh tranh, kỹ năng quản lý. Mà muốn đi đường dài, không cách nào khác du lịch Bắc Tân Uyên phải chuẩn bị đủ “lực”.
Để nâng cao khả năng vận hành, cách khai thác các dịch vụ du lịch đi kèm để tăng doanh thu, đang từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở chuẩn hóa những kỹ năng phục vụ, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế. Và rõ ràng, một sự mộc mạc được xây dựng trên nền tảng của kiến thức, nhận thức đúng đắn bao giờ cũng là nguồn lực lớn để tạo ra những bước phát triển vượt bậc.
Để ngành du lịch địa phương phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, UBND huyện phải có đề án phối hợp, tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Lớp học phải giúp những người quản lý định hình rõ được mô hình du lịch mình đang làm và cách quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp, bài bản nhất để vừa tạo ra giá trị vật chất, vừa mang lại giá trị tinh thần cho du khách. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Cùng với đó huyện tăng cường khai thác các nguồn lực để mở rộng dịch vụ du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
KHẢI ANH