Doanh nghiệp bước ra “biển lớn” - Kỳ cuối

Cập nhật: 16-03-2016 | 07:31:05

Kỳ cuối: Nông sản bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế

 Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu của nước ta, trong đó có hàng nông sản; tuy nhiên nông sản trong nước cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp các nước thành viên. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Bình Dương đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Chú trọng ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 991,4 ha ở các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động, trong đó có 3 khu được tỉnh hỗ trợ theo hình thức miễn hoặc giảm tiền thuê đất với tổng kinh phí hơn 62,292 tỷ đồng và 1 khu đang xem xét hỗ trợ. Nổi bật trong số này có Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo), do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư. Khu nông nghiệp này đã phát triển được hơn 80 ha trồng rau, quả, cây cảnh, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Công ty đã đầu tư xây dựng thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/vụ/ha; sau khi trừ chi phí về giống, phân bón, công chăm sóc… mô hình cho lợi nhuận trên 500 triệu đồng/vụ/ha.

Bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường là vấn đề đang được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Nông dân xã An Bình, huyện Phú Giáo thu hoạch tiêu. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 1.068 trang trại với tổng diện tích trên 10.698 ha. Đối với chăn nuôi, hầu hết trang trại đều đầu tư sử dụng giống mới. Hệ thống chuồng lạnh, sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động cũng được nhiều trang trại đầu tư đãhạn chế dịch bệnh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi vàtạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Lợi nhuận trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt trung bình từ 100 - 120 triệu đồng/lứa.

Các địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện những mô hình sản xuất rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương tự động theo công nghệ tự động hóa chuyển giao từ Israel… Nhờ vậy, tuy tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng giá trị tuyệt đối ngày càng tăng. Điển hình như mô hình trồng cam, quýt, bưởi hiện cho thu nhập từ 500 đến 1 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng hoa lan cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/1.000m2/năm... Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh đạt 90 triệu đồng, tăng 54% so với năm 2010.

Doanh nghiệp phải chủ động

 Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có 4 cơ hội mà TPP mang lại cho nông nghiệp của Việt Nam là: Nông sản nước ta giảm phụ thuộc vào một số thị trường, linh hoạt cơ cấu xuất nhập khẩu trong nông nghiệp. Giảm mạnh thuế đối với hàng nông sản sẽ tăng cơ hội cho một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta vào các thị trường lớn. Bên cạnh đó, tăng cơ hội thu hút đầu tư lớn vào nông nghiệp giúp Việt Nam tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cuối cùng là thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp, góp phần đưa công nghệ mới, quản lý mới vào nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ hội lớn đang mở ra cho các ngành kinh tế nước ta, trong đó có các mặt hàng nông sản, bởi những nước tham gia TPP sẽ đưa mức thuế nhập khẩu nông sản về 0% theo đúng lộ trình cam kết của các bên. Tại Bình Dương, 2 mặt hàng nông sản có nhiều khả năng thâm nhập sâu rộng vào thị trường TPP là hồ tiêu và cao su. Tuy vậy, TPP cũng tạo sức ép cạnh tranh lớn buộc doanh nghiệp nông sản phải tính đến việc đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để có những sản phẩm đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty Cổ phần Đường Bình Dương là một trong những đơn vị đi đầu trong chuẩn bị các phương án cho việc hội nhập. Cụ thể là công ty đã triển khai dự án trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Phước Sang và Tân Hiệp của huyện Phú Giáo. Dự án có tổng diện tích hơn 470 ha, tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, quy mô 3.500 con bò sữa với sản lượng khoảng 8 triệu kg sữa mỗi năm vừa mới đi vào hoạt động giai đoạn 1. Công ty cũng vừa nhập về 200 con bò sữa giống HS ở Thái Lan có nguồn gen gốc từ Đan Mạch. Dự án được đầu tư công nghệ chuồng trại ứng dụng kỹ thuật tiên tiến; các hoạt động quản lý và chăm sóc đàn bò được vận hành và quản lý thông qua phần mềm quản lý tiên tiến của châu Âu, được tiêu chuẩn hóa 100% phù hợp theo điều kiện kỹ thuật, công nghệ thông tin của Việt Nam. Khi dự án hoạt động thành công, công ty sẽ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống với giá gốc và thu mua sữa cho các hộ nông dân. Bên cạnh đó, công ty sẽ tổ chức các chương trình huấn luyện đào tạo có thực hành tại chỗ giúp nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi nông hộ hiệu quả và bền vững. Qua đó góp phần tạo ra những sản phẩm sữa có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương cho biết, tiêu chuẩn đặt ra đối với sản phẩm xuất khẩu đến các nước thành viên TPP là rất cao. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án, theo chủ trương của tỉnh, công ty đã xây dựng phương pháp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vừa bảo đảm an toàn môi trường vừa nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm khẳng định, sản phẩm nông sản của nước ngoài vào Việt Nam có chất lượng cao, đòi hỏi chúng ta phải cạnh tranh ngay thị trường trong nước. Điều đó cho thấy, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất là hết sức cần thiết nhằm tạo ra những sản phẩm có độ đồng nhất về chất lượng, ngang bằng, thậm chí là cao hơn một số nước ở châu Á và ngang bằng với một số nước tiên tiến trên thế giới.

Theo các chuyên gia, hội nhập kinh tế mở ra cơ hội lớn nhưng áp lực cạnh tranh đối với ngành nông nghiệp không hề nhỏ. Do đó, thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả sẽ giúp ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng biến thách thức thành cơ hội để đứng vững trên thị trường thế giới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh có 1.622 ha cây trồng ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất; gần 5,2 triệu con gà (chiếm 72,2% tổng đàn tại tỉnh) được nuôi theo công nghệ tiên tiến, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp và trang trại lớn. Nhiều phương pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng góp phần giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập cho nông dân như: sản xuất rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương theo công nghệ tự động hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại…

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên