Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết

Cập nhật: 15-12-2023 | 08:14:48

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) vùng Đông Nam bộ cần tăng cường giải pháp kết nối các chủ thể của hệ sinh thái xuất nhập khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối đối tác, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương trong vùng.

 

Doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại hội nghị kết nối xuất khẩu vùng Đông Nam bộ

 Tiềm năng lớn

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, cho biết năm 2023, mặc dù tăng trưởng chưa cao so với cùng kỳ nhưng với quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam bộ với việc có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự sụt giảm của xuất khẩu vùng Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương nằm trong sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng.

“Vùng Đông Nam bộ, cộng đồng DN đã nỗ lực để giữ vững nhịp độ xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước. Vấn đề cần làm là các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh sản xuất, liên kết trong chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết thêm.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công thương) cho rằng các DN trong vùng cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng tới những trào lưu, xu hướng mới trên thị trường thế giới để tìm những hướng đi phù hợp; tận dụng các cơ hội từ những xu hướng này bên cạnh những cơ hội quan trọng từ các FTA thế hệ mới. “Đây là thời điểm các DN vùng Đông Nam bộ cùng nhau chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các DN khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu”, ông Vũ Bá Phú đề xuất.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh vai trò liên kết vùng rất quan trọng, đặc biệt là đối với lĩnh vực giao thông. Các địa phương cần tổ chức tốt quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, trong đó tập trung kết nối giao thông sẽ hỗ trợ cho việc vận chuyển hàng hóa, giảm thời gian, chi phí cho DN. Điều này sẽ hóa giải được câu chuyện DN liên tục phản ánh là chi phí dịch vụ vận chuyển liên tỉnh cao hơn giá hàng hóa 1 container lên tàu xuất sang các nước lân cận.

Bán cái đối tác cần

Dưới góc độ DN, ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các DN cần nắm bắt được cơ hội thị trường, nhất là thị trường đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đơn cử như thị trường Mỹ, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn khiêm tốn. Đa số sản phẩm mới chỉ dừng ở gia công lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao. Bên cạnh đó, hàm lượng chế biến trong các sản phẩm xuất khẩu vẫn còn chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm.

“Trong thời gian tới, các DN cần chú trọng hơn nữa vào việc liên kết để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững. Đồng thời, DN cũng cần tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của thị trường theo phương châm “không bán cái mình có, mà phải bán cái thị trường cần”, ông Danny Võ tư vấn.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, khuyến nghị đối với DN xuất khẩu cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định lâu dài. Hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật. DN cần tìm hiểu, tận dụng tốt các ưu đãi thuế, xuất xứ trong các FTA; tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp vàtrực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm quốc tếlớn tại nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...

“Các DN xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt - bán đoạn, mà cần tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thịtrường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có, từ đó bảo đảm được uy tín thương hiệu sản phẩm của mình”, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo.

 Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: “UBND các tỉnh, thành, các sở, ngành của vùng Đông Nam bộ cần quan tâm ưu tiên nhiều hơn nữa các nguồn lực cho công tác xúc tiến thương mại; chủ động nắm bắt các nhu cầu của DN, diễn biến thị trường thế giới để xây dựng những chương trình xúc tiến thương mại có sự liên kết mạnh mẽ trong nội vùng và với các vùng kinh tế khác nhằm gia tăng hiệu ứng và hiệu quả cho các chương trình; tích cực tạo điều kiện và tổ chức các đoàn DN của vùng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia và quốc tế”.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên