KỲ 2: Doanh nghiệp Thủ công Mỹ nghệ dung hòa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại!
Ai về chợ Thủ bán hũ bán ve… Hũ ve thời 4.0 ở Bình Dương vẫn kế thừa vẻ đẹp truyền thống. Song các nghệ nhân, doanh nhân đã đầu tư nhiều công sức, ý tưởng để sản phẩm ngày nay phát triển hoàn thiện, dung hòa nét đẹp truyền thống và hiện đại. Để hũ ve Bình Dương bây giờ đẹp bất ngờ và được thị trường trong ngoài nước nâng niu, yêu chuộng!
Cán bộ Sở Công Thương và Khuyến công tại gian hàng sản phẩm CNNT tỉnh Bình Dương tại tỉnh Trà Vinh năm 2017
Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh của Công ty TNHH MTV SMMN Tư Bốn
Tư Bốn cố giữ nét đẹp xưa
Nghệ nhân Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, Điêu khắc Bình Dương, cũng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn, đơn vị năm nào cũng có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu các cấp cho biết: “Những năm 90, làng nghề Tương Bình Hiệp có hơn 400 hộ dân theo làm nghề sơn mài, 90% người dân trong làng làm việc có liên quan tới sơn mài. Không khí nhà nhà, người người làm sơn mài làm nhộn nhịp hẳn vùng quê nghèo trong những năm đầu đất nước đổi mới”. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tính đến nay đã hình thành và phát triển được gần 200 năm. Vào những năm đầu thế kỷ XX đã làm cho Thủ Dầu Một, Bình Dương nổi tiếng khắp cả nước về văn hóa truyền thống trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được làm theo phương pháp thủ công, vừa tinh xảo, vừa bền. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn tồn tại đến hôm nay. Sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của những người thợ ngày càng mang lại nhiều sự mới lạ cho các sản phẩm. Ngoài cách làm sơn mài truyền thống khảm vỏ ốc lên gỗ, thì những nghệ nhân, người thợ còn dùng những chất liệu cẩn khảm từ tre, nứa, vỏ cây, để tạo ra nhiều sản phẩm bình, chậu, tranh… khác nhau. Hiện các doanh nghiệp (DN) ở làng sơn mài đang tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, đưa sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản… Ông Linh cho biết bên cạnh việc cố gắng không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, DN Tư Bốn cũng đã tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động: “Khách hàng là các công ty từ những nước nhập khẩu khó tính ở các vùng lãnh thổ châu Âu, châu Mỹ… trước khi đặt hàng thường sẽ đi khảo sát xem những đối tác họ muốn đặt hàng có tuân thủ theo những điều kiện về nhà xưởng, công nhân, giữ vệ sinh môi trường xung quanh… Nên khi được chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất, Công ty Tư Bốn đã đầu tư xử lý chất thải đúng bài bản, nâng cao vị thế công ty, góp phần ổn định những đơn hàng, giải quyết việc làm ổn định cho công nhân 40 - 60 lao động trực tiếp”.
Chậu dán đá Polly, sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2017 của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiên Hoa Anh
Từ khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn ngày càng ăn nên làm ra. Đây là một trong những đơn vị có sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT cấp tỉnh hàng năm. Có thể nói đây là đơn vị tiên phong của làng nghề Sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp trong việc thực hiện phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Và cũng nhờ đầu tư bảo vệ môi trường mà vị thế công ty tăng lên trong mắt của khách hàng, đối tác. Từ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng gia tăng.
Ông Linh cho biết thêm: Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hàng sơn mài xuất khẩu, Tư Bốn chăm chút từng sản phẩm được làm từ những chất liệu khác nhau như: Gỗ, tre, ván ép, MDF, Fiber-glass, Ceramic... kết hợp với nghệ thuật cẩn trứng, cẩn ốc, dát vàng, dát bạc, dát veneer, lục bình, cói, da, đồng, sắt và gạch, nhằm mục đích mang đến cho người tiêu dùng những dòng sản phẩm độc đáo. Với bàn tay khéo léo của đội ngũ nghệ nhân lành nghề, cùng ý chí luôn luôn vươn lên tìm kiếm cái đẹp, Tư Bốn đã và sẽ mang đến cho những người bạn khắp nơi từ Pháp, Đức, Anh, Australia, Nhật, Hàn Quốc và người tiêu dùng trong nước sự độc đáo, tinh tế trong những bộ bàn ghế, lọ hoa, bình, hũ, hộp... và các vật dụng trang trí khác.
Hiên Hoa Anh phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiên Hoa Anh, ở ấp Vĩnh An, xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên kế thừa nghề làm lò chén, gốm sứ của làng gốm Tân Khánh xưa. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiên Hoa Anh đi vào hoạt động từ 2005. Đây là đơn vị chuyên gia công các sản phẩm từ gốm sứ: Chậu gốm dán miểng, các loại con vật bằng xi măng dán miểng. Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm sản phẩm từ gỗ.
Công ty Hiên Hoa Anh có đội ngũ cán bộ, công nhân viên khoảng 50 người, có tay nghề khéo, thường xuyên được kiểm tra, bảo đảm chất lượng hàng hóa được sản xuất ra luôn ổn định, đáp ứng và thỏa mãn yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Giỏ đan lục bình - Giấy bạc, Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh của Hợp tác xã Ba Nhất
Bộ bàn ghế ghép gạch gốm của DNTN Như Ngọc, Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2017
Quy trình sản xuất tại Hiên Hoa Anh: Nguyên liệu đầu vào gồm các chậu gốm và các loại con vật đúc từ xi măng được nhập về, qua khâu kiểm tra ngoại quan bên ngoài sẽ được giao cho các công nhân định hình trang trí hoa văn các chi tiết khác nhau. Các loại đá đục vàng, đá đục đen, tôn, kính được đưa qua công đoạn cắt thành các chi tiết nhỏ hơn để dán vào sản phẩm. Tiếp theo tùy vào mỗi loại sản phẩm mà công nhân sẽ dùng các loại keo trắng hoặc xi măng để bôi một lớp lên bề mặt chậu gốm sau đó dán các chi tiết đã được cắt nhỏ lên bề mặt sản phẩm.
Sau khi dán hoàn thiện, sản phẩm sẽ được đưa qua bộ phận kiểm tra, nếu sản phẩm đạt yêu cầu sẽ được chuyển qua khu vực lưu kho hoặc xuất hàng theo đơn đặt hàng của khách hàng.
Sản phẩm bàn ghế lục bình hai chức năng đoạt giải CNNT tiêu biểu cấp quốc gia của Hợp tác xã Ba Nhất
Quang cảnh sản xuất sản phẩm chậu Polly dán đá của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiên Hoa Anh
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc công ty cho biết: Với chiến lược không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và giá thành tốt nhất cho khách hàng, công ty đã và đang tích cực đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu thị trường và tìm kiếm các cơ hội đầu tư phát triển sản phẩm. Do đó, để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, việc giảm chi phí sản xuất là một vấn đề trọng điểm của công ty. Với những kết quả bước đầu khi áp dụng SXSH, công ty đã nhận rõ tầm quan trọng của việc áp dụng kết quả từ các giải pháp SXSH. Ngoài mục tiêu là hạ giá thành sản phẩm đồng thời bảo đảm được xu thế bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững như hiện nay.
Nhờ kiên trì mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, Công ty Hiên Hoa Anh đã mạnh dạn đầu tư thiết bị mới trong cắt dán đá, miểng, tạo ra nhiều sản phẩm “độc” và “ lạ”. Cùng với việc thực hiện đánh giá nhanh SXSH, sản phẩm của Hiên Hoa Anh được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp. Đặc biệt là chậu Poly dán đá của Hiên Hoa Anh là một trong 5 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Và từ sau khi thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí nguyên vật liệu, thực hiện SXSH, công ty đã đạt mục tiêu giảm giá thành sản phẩm, tạo sự cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giúp DN tháo gỡ những khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu và đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh.
Ba Nhất biến “rác” thành “đô la”!
Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất là thương hiệu gắn liền với cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp của tỉnh Bình Dương. Ba Nhất được vinh danh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia ngay lần đầu tiên tổ chức giải quốc gia vào năm 2015. Từ đó đến nay, lần bình chọn nào, cấp nào cũng có sản phẩm Ba Nhất. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất, 1 trong 100 nữ doanh nhân đã được Liên minh HTX, Itermational Los Angeles bình chọn, lâu nay mọi người vẫn quen gọi là cô Ba Cúc, đã làm thơ về HTX thân yêu của mình:
“Người nghèo lỡ phận gần xa
Dang tay Ba Nhất đơm hoa tặng người
Rác rơm đem bán xứ người
Kiếm đô la để đổi đời khó khăn”
Quả đúng vậy, từ nguyên liệu rẻ như “bèo”: Mây, tre, lá, lục bình… Ba Nhất đã làm nên các sản phẩm tinh xảo, độc đáo xuất khẩu 100%, đi khắp thế giới: Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, chủ yếu là ở Mỹ. Từ đó Ba Nhất nổi tiếng, vang danh thiên hạ. Có năm như năm 2011, Ba Nhất đạt doanh số 190 tỷ đồng.
Trong những năm khủng hoảng kinh tế vừa qua, tuy doanh số giảm, song Ba Nhất đã cố gắng tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, duy trì công ăn việc làm cho gần 500 xã viên và hàng ngàn lao động thời vụ.
Để tăng tính cạnh tranh, Ba Nhất đã áp dụng các kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm: Chuyển từ sấy bằng dầu D.O sang sấy bằng hơi nước, lắp đặt phòng bảo ôn để bảo quản sản phẩm… Nhờ vậy, sản phẩm Ba Nhất vẫn đứng vững trên các thị trường khó tính, dù là trong giai đoạn khó khăn nhất.
Cô Ba Cúc nói, để Ba Nhất đạt những thành quả như hôm nay, công đầu là của ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch tỉnh Sông Bé. Cô kể, giai đoạn khó khăn 1988-1990, khi khối Đông Âu sụp đổ, sản phẩm HTX tồn kho, phải đem đốt bỏ, cô phải bán nhà trả nợ, lui về ở ẩn ở Uyên Hưng, Tân Uyên. Song nhờ ông Hồ Minh Phương đã tác động tích cực đến huyện Tân Uyên, để cấp phép kinh doanh, làm sổ đỏ 7 ha đất của cô. Và đặc biệt là ông Phương đã bảo lãnh với ngân hàng để cô Ba có số vốn đầu tiên 200 triệu đồng để khởi nghiệp lại tại Bình Dương vào năm 1998. Và Ba Nhất còn nhờ ông Trương Tấn Sang, giúp đỡ cho 15 xã viên nhập hộ khẩu vào “đại gia đình” Ba Nhất.
Về bước đường xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất hành tinh của sản phẩm Ba Nhất, người dân Bình Dương nhớ hoài giai thoại sản phẩm Ba Nhất đi Tây. Ngày 17-11-2000, khi Tổng thống Hoa Kỳ B.Clinton sang thăm Việt Nam, bà soạn một lá thư bằng tiếng Anh gửi bà Hillary, phu nhân tổng thống, với nội dung đề nghị hỗ trợ đưa sản phẩm mây tre lá vào thị trường Hoa Kỳ nhằm giúp xóa đói giảm nghèo. Sau đó, phía Hoa Kỳ đã giúp đỡ bà đem sản phẩm mây tre lá bán vào thị trường của họ bằng cách tài trợ tiền và bảo lãnh cho HTX Mây tre lá Ba Nhất tham gia các hội chợ.
Hội chợ quốc tế đầu tiên mà HTX Mây tre lá Ba Nhất được tham gia là hội chợ Atlanta năm 2003. Từ hội chợ này, các hãng bán lẻ hàng mỹ nghệ của Hoa Kỳ đã chú ý hàng mây tre lá của Việt Nam. Bởi trước đó, dù nhu cầu thị trường Hoa Kỳ rất lớn nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm đại đa số trên các kệ hàng. Từ đó, hàng ngàn mẫu mã sản phẩm của Ba Nhất được các hãng bán lẻ hàng đầu như World Mark, Target, Ikea… nhận phân phối. Nay sản phẩm mây tre lá của HTX Ba Nhất đã có mặt trên 40 nước. Đó cũng là niềm tự hào chung của giới mỹ nghệ trong nước.
Trước đây, khách hàng của HTX Ba Nhất đặt hàng theo mùa vụ, nay nhiều khách hàng lớn có uy tín trên thế giới đã ký hợp đồng lớn với Ba Nhất, số lượng lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. Đạt được thành quả đó chính là nhờ bà Cúc đã xây dựng cho mình một đội ngũ tiếp thị năng động và rất giỏi tiếng Anh để giao tiếp mở rộng quan hệ kinh doanh. Bà còn cử nhiều chuyên gia sang nước ngoài để liên tục cập nhật thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác.
Cô Ba Cúc cho biết “bí quyết” của quá trình gần 40 năm Ba Nhất giữ vững phong độ phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững là nhờ… lấy xã viên làm gốc! Trong giai đoạn khó khăn nhất, Ba Nhất vẫn cố gắng chăm sóc tốt đời sống xã viên. Giờ thì đây là ngôi nhà lớn của gần 500 xã viên. Nồi cơm chung nấu bằng hơi nước lo cho xã viên ngày 3 bữa cơm, còn chỗ ở thì miễn phí. Và lương bình quân hiện nay ở đây đã gần 6 triệu/người. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho xã viên, các chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, ốm đau, bệnh tật. Ngoài ra còn hỗ trợ xã viên khi đám cưới, cho vay mua đất, nhà, tạo điều kiện cho xã viên an cư lạc nghiệp… cô Ba còn dựng vợ, gả chồng cho hơn 200 đôi uyên ương là lao động của HTX. Với người đã có nhà bà giúp vốn làm ăn, với người chưa có nhà bà xây tặng nhà để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Con em trong HTX bà đều hỗ trợ tiền đi học hàng năm, lại lập quỹ khuyến học để thúc đẩy việc học hành cho các em.
Như Ngọc cố gắng phát triển thương hiệu truyền thống pha lẫn hiện đại
DNTN Như Ngọc (địa chỉ tại 463, ấp Hưng Lộc, xã Hưng Định - TX.Thuận An - Bình Dương) có sản phẩm bộ bàn ghế ghép gạch gốm để sân vườn là 1 trong 5 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017.
Sang năm 2018, DN Như Ngọc cũng có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực phía Nam.
Ông Trương Tư, Giám đốc DN cho biết: “Thành lập đã hơn 10 năm, thăng trầm cũng nhiều, song chúng tôi luôn cố gắng vươn lên để làm ra những sản phẩm đẹp có chất lượng cao, tạo được dấu ấn riêng. Trong sản phẩm của Như Ngọc có kết hợp với nguyên liệu kim loại có độ bền cao để tạo ra sản phẩm vừa có nét đẹp truyền thống thủ công mỹ nghệ Bình Dương, vừa có tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong ngoài nước”.
Như Ngọc đã có nhiều cố gắng tâm huyết trong các khâu: Kỹ thuật làm khung bàn ghế có kiểu dáng vừa đẹp, sang trọng vừa đơn giản, hiện đại, kỹ thuật sản xuất gạch chịu lửa với độ bền cao, sản phẩm để ngoài trời, chịu đựng được sự khắc nghiệt của mưa nắng gió, của mọi loại khí hậu. Và kỹ thuật ghép gạch gốm để tạo hoa văn độc và lạ, kết hợp nét đẹp Đông Tây, kim cổ.
Nhìn chung các sản phẩm CNNT mang đậm nét công nghiệp hiện đại, hay dấu ấn truyền thống thủ công mỹ nghệ đẹp nao lòng của tỉnh Bình Dương, tất cả đã khẳng định thương hiệu tại thương trường trong ngoài nước trong thời đại công nghiệp 4.0. Và qua các cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, các DN này đã thêm một lần khẳng định vị thế của hàng Việt chất lượng cao trên thị trường và trong lòng người Việt yêu nước Việt, yêu hàng Việt!
TTKC