Hiện toàn tỉnh có hơn 30.000 doanh nghiệp (DN). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được các DN trên địa bàn tỉnh tích cực tiếp cận, nhiều DN đầu tư mạnh về vốn để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chậm đầu tư công nghệ sẽ khó cạnh tranh
Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt (TX.Tân Uyên), vừa chỉ vào hệ thống máy CNC phục vụ sản xuất riêng cho ngành gỗ của công ty vừa cho biết một cỗ máy CNC sản xuất tại Italia này có giá trị tương đương với một chiếc xe hạng sang Audi. Công ty Lâm Việt hiện đã trang bị hàng chục máy loại này, tất cả công đoạn phay, bào, tiện... đều được xử lý qua hệ thống máy tính. Công ty đã xây dựng một phòng kỹ thuật riêng biệt, gồm 1 kỹ sư công nghệ thông tin và 1 chuyên gia thiết kế sản phẩm điều hành toàn bộ hệ thống máy CNC.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tham quan Nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo ông Liêm, đầu tư vào công nghệ sản xuất từ châu Âu tuy đắt nhưng “xắt ra miếng”, bởi những lợi ích mà dây chuyền sản xuất bằng công nghệ hiện đại đem lại. Sản xuất bằng công nghệ này chất lượng sản phẩm sẽ tương đồng nhau, quy cách và kích thước sản phẩm không bị sai sót. Do sản phẩm gỗ của các DN Bình Dương chủ yếu tập trung vào thị trường châu Âu và Mỹ nên hệ thống máy CNC này giúp Công ty Lâm Việt có thêm điều kiện “ăn nên làm ra”.
Hiện nay, có đến hàng chục DN gỗ trên địa bàn tỉnh đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tân tiến nhất của thế giới. Đây là tín hiệu vui chung của DN gỗ trong cả nước cũng như tại tỉnh Bình Dương.
Không chỉ ngành gỗ, hiện đã có hàng loạt DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực khác cũng đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất hiện đại. Điển hình như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư nhà máy sản xuất tại TX.Bến Cát với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng. Mức độ hiện đại của dây chuyền sản xuất tại nhà máy này sẽ làm nhiều DN choáng ngợp. “Giúp việc” cho nhà máy với công suất hơn 400 triệu lít sữa mỗi năm này là 70 thiết bị dạng robot, trong đó có 15 robot tự định vị lazer (LGV), 14 robot tự vận hành trên đường ray. Có thể nói, nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk tại Bình Dương có dây chuyền sản xuất thuộc loại “khủng” nhất châu Á.
Chủ động nắm bắt xu thế chung
Theo nhiều chuyên gia, DN muốn làm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngay tại nhà máy sản xuất của mình là công việc không quá khó khăn so với e ngại của nhiều người. Thực tế cho thấy, không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền bạc nhập khẩu trang thiết bị từ châu Âu mới có thể đột phá về công nghệ. DN có thể sử dụng trang thiết bị cũ hiện có, sau đó nâng cấp thêm rồi kết nối với hệ thống máy tính để vận hành bộ máy sản xuất, vẫn mang lại hiệu quả cao.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, chia sẻ để có máy móc chuẩn công nghiệp, DN cần một khoản đầu tư lớn. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có nhiều máy móc được dùng trong các nghề thủ công và nhà máy chưa được kết nối internet. Đầu tư tất cả vào máy móc mới không phải là giải pháp duy nhất, thực tế nhiều máy móc cũ cũng có thể trang bị thêm các giải pháp mới như cảm biến, phần mềm và kết nối để đưa chúng vào kỷ nguyên công nghiệp mới. Điều này giúp DN gia tăng khả năng bảo trì, giảm thời gian nghỉ, trong khi tăng mức sản xuất cho DN.
Gốm sứ vốn là mặt hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng nhiều lao động chân tay, ít dùng máy móc. Nhưng theo thời gian và nhu cầu của thị trường, việc thay đổi công nghệ đang âm thầm diễn ra trong cộng đồng DN sản xuất gốm sứ của Bình Dương. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, cho biết kiểu sản xuất nung gốm bằng củi, than nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Hiện cả nước có nhiều DN gốm đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hệ thống lò nung bằng gas hay bằng điện. Công nghệ này giúp sản phẩm gốm nung chủ động điều khiển nhiệt độ mong muốn, chất lượng lên men cũng tốt hơn rất nhiều so với cách làm cũ. Quan trọng nhất, chỉ có những công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến mới giúp DN tiết kiệm thời gian, giao hàng đúng cam kết với khách hàng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh. Nhiều DN tại Bình Dương đang chủ động nắm bắt xu thế chung của thế giới và góp phần đưa trình độ sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà lên một tầm cao mới.
PHÙNG HIẾU