Bình Dương được xem là “thủ phủ” ngành gỗ của cả nước. Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết với đà tăng trưởng bình quân mỗi tháng trên 18% trong những tháng qua, xuất khẩu của các thành viên BIFA trong năm nay nhiều khả năng vượt kế hoạch đề ra.
Các DN gỗ Bình Dương đang tăng cường mua sắm trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Hệ thống sản xuất gỗ của Công ty Sadaco (TX.Thuận An). Ảnh: KHÁNH VINH
Ngành gỗ tăng trưởng khá
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cả nước trong 10 tháng qua đạt 5,54 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ vào các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng khá cao như Hàn Quốc (18%), Anh (12,4%), Australia (9%)... Với đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của cả nước trong năm nay có thể đạt 7,3 tỷ USD, vượt 300 triệu USD so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết tính tới thời điểm này chưa ghi nhận được trường hợp doanh nghiệp (DN) thành viên nào “đói” đơn hàng. Thời điểm tháng 9-2016, chỉ số xuất khẩu gỗ giảm nhẹ trên phạm vi cả nước, nhưng sau đó hồi phục nhanh chóng. Hiện tại, các DN gỗ của Bình Dương đang tăng tốc hoàn thành đơn đặt hàng trong năm 2016.
Trong năm 2016, BIFA cũng có nhiều nỗ lực kết nạp thêm hội viên mới. Theo ông Huỳnh Quanh Thanh, Chủ tịch BIFA, việc đa dạng thành viên tham gia hiệp hội chính là bước đi rất quan trọng, bởi xu thế chung các DN buộc phải tính bài toán hợp tác, liên kết để tăng năng lực tài chính, khoa học - kỹ thuật và công nghệ áp dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, trái với lo lắng trước sự kiện người dân Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng tới ngành gỗ trong nước, các DN Bình Dương khẳng định EU vẫn là thị trường tiềm năng. Lãnh đạo nhiều DN dự đoán sức tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ còn sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực.
Chủ động tốt để hội nhập
Lãnh đạo BIFA chia sẻ ngay khi có chủ trương về đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, các DN trong tỉnh đã chủ động tìm hiểu. Thậm chí nhiều DN đã ban hành quy trình quản lý gỗ, mua nguyên liệu, chế biến gỗ… để hướng dẫn chi tiết cho người lao động của công ty ngay tại các nhà máy. Ngoài ra BIFA còn thường xuyên tổ chức cho hội viên tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tham quan, học hỏi tại các nước có trình độ sản xuất gỗ công nghệ cao… để tăng năng lực cạnh tranh cho hội viên khi tham gia thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Điểm đáng chú ý, vừa qua Cơ quan Hợp tác phát triển Đức đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM, Việt Nam) và BIFA gặp gỡ và làm việc với 12 DN gỗ trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi làm việc, đoàn đã tập trung phân tích các hệ thống phụ trợ tại DN, cụ thể là các hệ thống chiếu sáng, khí nén, hút bụi...; đồng thời chuyển đổi các máy công cụ cầm tay sử dụng khí nén sang sử dụng điện. Đoàn cũng đã đưa ra những giải pháp khuyến cáo để DN cải thiện, nâng cao hiệu suất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mang lại thêm nhiều lợi ích cho DN.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX.Tân Uyên), hiện công ty đang tích cực tham khảo công nghệ sản xuất mới tại một số nước trong khu vực để kịp thời nâng cấp hệ thống sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đang chủ động mời chuyên gia quốc tế am hiểu văn hóa, nhu cầu của khách hàng tại những nước nhập khẩu sản phẩm gỗ của DN Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp với các đối tác.
XUÂN VĨ