Đến nay, Hàn Quốc dẫn đầu nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, nhưng riêng tại Bình Dương vốn đầu tư từ Nhật Bản vẫn đứng đầu. Không chỉ gia tăng về tổng số vốn đầu tư, doanh nghiệp Nhật còn tăng cường số lượng dự án lẫn quy mô và chú trọng vào các lĩnh vực dịch vụ, đô thị, công nghiệp phụ trợ…
Bên cạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản còn đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Bình Dương.Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương Canary do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư Ảnh:XUÂN THI
Dẫn đầu dòng vốn ngoại
Hiện Bình Dương đang là địa phương thu hút vốn Nhật Bản đứng thứ hai cả nước sau Thanh Hóa. Đây là con số ít nhiều gây bất ngờ nhưng lại phản ánh được khả năng thu hút đầu tư của Bình Dương trong những năm gần đây. Đến nay, toàn tỉnh có 2.713 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 24,8 tỷ USD; trong đó nhà đầu tư Nhật Bản dẫn đầu về số vốn. Đến nay, tại tỉnh đã có 262 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD, chiếm hơn 9,2% về số lượng dự án và gần 23% về vốn FDI vào tỉnh.
Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định, với cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp điện năng đầy đủ, cùng với chính sách thông thoáng để thu hút nguồn nhân lực, việc Bình Dương chú trọng và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, đô thị... |
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực như linh kiện điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất sắt thép, sản xuất thực phẩm, công nghiệp phụ trợ… Nhiều dự án trong các lĩnh vực này có vốn đầu tư lớn như: Công ty TNHH Maruchi Sun Steel đầu tư 420 triệu USD sản xuất sắt thép; Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đầu tư 240 triệu USD sản xuất điện tử; Công ty TNHH Maruzen Foods Việt Nam đầu tư hơn 100 triệu USD sản xuất thực phẩm; Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 48 triệu USD sản xuất giấy… Nếu tính từ đầu năm đến nay, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI từ Nhật. Trong số hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI đã đầu tư vào tỉnh 7 tháng qua, doanh nghiệp Nhật chỉ đứng sau Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc); trong đó nhiều dự án có mức vốn đầu tư lên đến trên dưới 50 triệu USD.
Qua phân tích, tính bình quân mỗi dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương có vốn hơn 21 triệu USD. Đây là con số bình quân cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào tỉnh hiện nay. Như vậy, nếu xét về tổng vốn đầu tư lẫn bình quân dự án, doanh nghiệp Nhật Bản đều dẫn đầu. Điều này cho thấy những nỗ lực thu hút đầu tư, chuẩn bị hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, chuẩn bị quỹ đất sạch… của tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Mở rộng lĩnh vực đầu tư
Trong những năm gần đây, Bình Dương có sự chuẩn bị chu đáo nhằm tạo thuận lợi để mời gọi doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đến đầu tư. Sự nỗ lực này cộng với những lợi thế của địa phương về hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính… đã tạo nên sự hài lòng và an tâm để doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào tỉnh. Ông Wada Yuji, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Maruchi Sun Steel chia sẻ: “Công ty rất tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Bình Dương nên quyết định tăng vốn để mở rộng sản xuất và gắn bó lâu dài tại đây. Ban đầu, Sunsteel chỉ đầu tư số vốn khiêm tốn nhưng đến nay chúng tôi đã tăng lên đến 420 triệu USD”.
Cũng tăng vốn thêm 7 triệu USD, nâng vốn đầu tư lên 21,5 triệu USD để sản xuất mực in trong năm 2015, ông Rober Ng, Giám đốc Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam cho biết: “Khi đầu tư vào Bình Dương, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền các cấp. Với sự trọng thị đó, doanh nghiệp rất tin tưởng nên tiếp tục tăng vốn đầu tư”. Vừa đầu tư kho lạnh phát triển dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (TX.Dĩ An) với số vốn 18 triệu USD, ông Sakai Shatoshi, Tổng Giám đốc Công ty CLK nói: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đến Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên chọn Bình Dương để đặt nhà máy, trụ sở công ty. Chính vì thế, trong chiến lược của mình, CLK chọn Bình Dương trở thành điểm trung chuyển hàng hóa nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản khi đến đây làm ăn”.
Không chỉ tập trung đầu tư vào phát triển công nghiệp, thời gian gần đây, nhiều dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ. Doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Bình Dương Canary (TX.Thuận An) với số vốn 95 triệu USD và đi vào hoạt động cuối năm 2014. Đây là một trong những dự án gây chú ý lớn ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, dự án Sora Gardens I (Thành phố mới Bình Dương), là dự án thành phần đầu tiên của khu đô thị Tokyu Bình Dương có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do Tập đoàn Tokyu đầu tư đã mở ra một hướng hợp tác kinh doanh mới đầy hấp dẫn về lĩnh vực phát triển đô thị, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại Bình Dương và vùng phụ cận.
KHÁNH VINH