Doanh nghiệp nỗ lực, địa phương “tiếp sức” hiệu quả

Cập nhật: 04-11-2022 | 04:29:07

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Đặc biệt, đơn hàng đã trở lại, tạo tiền đề cho doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất và phát triển.

 Hàng hóa xuất khẩu tập kết tại cảng Bình Dương (TP.Dĩ An)

Xuất khẩu phục hồi mạnh

Trong 10 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,98 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Đây là một con số rất đáng trân trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn cùng với những biến động khó đoán định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng DN để giữ vững chỉ số xuất khẩu. Đây chính là tiền đề để kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục có bước phát triển ổn định trong thời gian tới. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… “Trên cơ sở mối quan hệ song phương sẵn có, ngành công thương phối hợp với các ngành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tạo ra cầu nối để các DN Bình Dương và các nước giới thiệu, trao đổi tiềm năng, thế mạnh, cập nhật thông tin về xu hướng phát triển và quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tận dụng những lợi thế về dịch vụ Logistics với hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển, các DN logistics liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN, kéo giảm chi phí hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu”, ông Toàn thông tin.

Xác nhận với chúng tôi về việc số lượng đơn hàng đã trở lại, ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách cảng Bình Dương, cho biết so với quý III, đến nay đơn hàng đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ qua cảng Bình Dương đã trở lại từ 50 - 60%. Đơn cử một số đối tác ngành gỗ, may mặc, giày da gặp nhiều khó khăn trong quý III đã có bước trở lại khá ấn tượng. Đây là tín hiệu rất tích cực trong tình hình hiện nay. “Chúng tôi có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, chia sẻ những khó khăn với khách hàng. So với năm 2021, giá một container vận chuyển đến thời điểm này chỉ còn 1/20. Có nghĩa là trước đây DN bỏ ra 20.000 đô la Mỹ chi phí một công vận chuyển, đến nay giá chỉ còn 1.000 đô la Mỹ”, ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh kết quả phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, còn nhiều vấn đề cấp bách mà DN đang vướng như chi phí đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng không ít đến việc tổ chức sản xuất. Ngoài ra, các DN cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm lại thị trường, tìm kiếm khách hàng khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở những thị trường truyền thống.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết: “Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, DN cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước”.

Ông Nguyễn Quốc Chính, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Phi, cho rằng Bờ Biển Ngà với dân số gần 26,5 triệu người, có sức tiêu thụ hàng hóa khá mạnh, trong khi tiêu chuẩn sản phẩm không quá khắt khe, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Sản phẩm của Việt Nam được Bờ Biển Ngà đánh giá là sản phẩm trung cấp, có nhu cầu nhập khẩu khá lớn nhiều mặt hàng.

Bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến các thị trường mới, thị trường ngách, các chuyên gia cho rằng tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường... Người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa. Việc xây dựng cơ chế chính sách của Việt Nam cũng cần bắt kịp với xu hướng của EU, đặc biệt là xu hướng phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết dự báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời gây sức ép mở cửa các thị trường xuất khẩu. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy, đề nghị Việt Nam phải có nhượng bộ rõ ràng hơn trong việc mở cửa, tiếp cận thị trường, giải quyết những khúc mắc, tồn tại trong quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, thương mại - dịch vụ, quản lý kinh tế nền tảng số - Luật An ninh mạng. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=966
Quay lên trên