Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất cuối năm

Cập nhật: 30-10-2018 | 22:29:16

Còn 2 tháng nữa năm 2018 sẽ khép lại. Hiện các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang tất bật với những đơn hàng cuối năm.

 Đơn hàng dồn vào cuối năm

Vừa sang Mỹ để ký kết hợp đồng với đối tác về, ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Cường Phát (TX.Thuận An) lại bắt tay vào việc, vận hành bộ máy sản xuất của công ty để kịp giao hàng cho đối tác trong những tháng cuối năm. Ông Bạch cho biết đến thời điểm này, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý II-2019. Hiện nay, công ty phải tổ chức tăng ca, tuyển thêm công nhân để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Sản xuất gốm sứ tại Công ty TNHH Cường Phát. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Cùng chung niềm vui “đầy ắp đơn hàng”, Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Thuận An) cũng đang tất bật với đơn hàng phải giao lên tới 250 container từ nay đến cuối năm. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc công ty, cho biết đây là mùa cao điểm mua sắm ở thị trường Liên minh châu Âu và Mỹ nên đơn hàng công ty phải giao trong tháng 10 và 11 rất nhiều. Theo ông Tín, năm 2018 ngành gốm sứ trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng với con số rất khả quan, dự báo tăng 15% so với năm 2017. Ông rất mừng vì ngành gốm sứ đã tìm ra hướng đi phù hợp, bám sát nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Cũng như mọi năm, thời điểm này ngành gốm đang thiếu nhân lực có tay nghề cao. Thực tế này buộc các DN gốm phải thay đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Có thể thấy, vài năm trở lại đây ngành gốm sứ trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy số lượng cơ sở gốm sứ trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với trước đây do áp lực cạnh tranh, nhưng bù lại các DN lớn ngày càng đứng vững trên thị trường nên vẫn duy trì tăng trưởng cho ngành gốm.

Hiện nay, các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm đầu tư công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngành gốm sứ trong tỉnh cũng có những thay đổi mạnh mẽ để đứng vững trên thị trường hiện nay. Tuy vậy, với đặc thù ngành gốm, một số khâu quan trọng chỉ thực hiện được bởi bàn tay con người, nhưng hiện các DN lại đang thiếu nguồn nhân lực trình độ cao. Theo ông Tín, hiện nay ngành gốm trong tỉnh đang thiếu thế hệ thợ tay nghề cao kế thừa. Đây là vấn đề Nhà nước, DN cần sớm tìm ra hướng giải quyết để bảo đảm cho ngành gốm phát triển bền vững trong tương lai.

Nhiều lợi thế cho ngành gỗ

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), từ đầu năm đến tháng 10-2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước đạt hơn 7,3 tỷ USD. Hiện đơn hàng tháng 11 và 12 của các DN gỗ trong nước, cũng như trong tỉnh còn tương đối nhiều. Như vậy, ngành gỗ cả nước nhiều khả năng vượt mốc xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay.

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt, cho biết hiện nay có những DN gỗ trong tỉnh có đơn hàng đến quý III-2019. Điều đáng mừng là hiện nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ tương đối ổn định, điều DN quan tâm hiện nay là tập trung thay đổi công nghệ sản xuất cũ. Qua Hội chợ BIFA Wood 2018 vừa được tổ chức tại Bình Dương cho thấy đối thủ lớn nhất của ngành gỗ của nước ta là các DN gỗ của Trung Quốc. Tuy vậy, ngoài thế mạnh về nguồn nhân công giá rẻ, công nghệ sản xuất, chế biến gỗ của Trung Quốc không thua kém các nước châu Âu nhưng khoảng cách về công nghệ sẽ sớm được các DN gỗ Bình Dương rút ngắn, bởi nhiều DN gỗ trong tỉnh có khả năng tài chính, trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.

Theo ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, hiện nhiều DN gỗ Bình Dương đã trang bị dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại. Thời điểm này, các DN gỗ của Bình Dương vừa tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng cho đối tác vừa thực hiện thay đổi công nghệ cũ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cạnh tranh trên thị trường.

Lãnh đạo BIFA cũng cho biết ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng đang có thêm lợi thế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) không “tiêu cực” như nhiều người từng suy nghĩ trước đó. Trái lại, ngành gỗ càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển, nguồn cung cấp nguyên liệu trong và ngoài nước ngày càng đa dạng, phong phú, thị trường xuất khẩu tăng thị phần. Ngành gỗ đang có những bước đi vững chắc, tăng về lượng lẫn chất. Với mức tăng trưởng 20%/năm, nếu được duy trì trong những năm tới nhiều khả năng ngành gỗ cả nước sẽ hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 như “đặt hàng” của Thủ tướng chính phủ.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên