Hoàng Đạo kể lại lời Diệm. Ông nhận xét: “Từ ngày đó ông ta đã chọn con đường theo Mỹ rồi”. Diệm là người thông minh, mưu lược ghê gớm, sau này ác ghê gớm. Và có người cho rằng Diệm cũng yêu nước theo kiểu độc tài, khó bề lay chuyển. Lúc đó tôi hứa với Diệm là sẽ suy nghĩ lại, nhưng thật ra phải thỉnh thị báo cáo lãnh đạo”.
Chủ trương của tôi là không phải quan tâm quá nhiều đến các chức tước trong cái chính phủ bù nhìn ấy. Cả nước chỉ một mục tiêu: đánh giặc, thắng sớm ngày nào hay ngày đó. Chiến tranh kéo dài thêm một ngày là một ngày đau khổ. Yêu cầu lúc đó là chiến thắng nhanh, kết thúc kháng chiến chứ không tổng thống thủ tướng gì cả. Chính quyết định này đã đưa đến một kế hoạch hành động tạo nên chiến công đánh chiến hạm Amyot D’inville vang dội. Chiến công mà đến ngày hôm nay tổng kết là một trong những chiến thắng lớn nhất của ngành Tình báo Công an trong kháng chiến chống Pháp.
Ta đành bỏ phí một cơ hội lớn của nghề tình báo, lợi thế gài được người vào lãnh đạo cao nhất chính phủ của địch.
Chỉ thị của Trung ương lúc đó là: để hỗ trợ cho chiến dịch biên giới, phải đánh phía biển thật mạnh…
Nhân câu chuyện về cuộc gặp Ngô Đình Diệm, tôi muốn ông liệt kê cho danh sách những nhân vật tên tuổi trong cuộc đời dài gần một thế kỷ mà ông gặp. Hoàng Đạo lắc đầu: Làm sao nhớ nổi! Sẽ là một danh sách dài: từ cụ Phan Bội Châu đến Bác Hồ, các nhà văn hóa, các cán bộ cách mạng chỉ huy quân sự, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tố Hữu, Hải Triều, Võ Chí Công, Nguyễn Lương Bằng, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, tướng Nguyễn Sơn, Nguyễn Bình… Lê Giải, Nguyễn Hữu Khiếu, sau này còn có các cán bộ trong ngành công an và rất nhiều người tên tuổi khác…
13. Cuộc đời của Hoàng Đạo có nhiều giai đoạn, là nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử, kéo dài hết cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, là một trong những người Việt Nam gia nhập Đảng rất sớm, từ khi Đảng Cộng sản mới ra đời. Tù đày trong các nhà tù từ những năm 30-40. Sau đó là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông ra Thanh Hóa làm Trưởng ty Công an trong những năm nhà nước cách mạng còn non trẻ - Rồi kháng chiến trường kỳ, giặc Pháp chiếm đóng, ông làm điệp viên leo cao, kết thúc bằng chiến công đánh chiến hạm. Vì sao đời ông lại gắn với Thanh Hóa?
“Khoan hãy nói đến đoạn Thanh Hóa. Tôi sẽ kể cô nghe nốt những năm còn ở Nam bộ và lý do để tôi “khánh thành” sà lan giam tù Nam kỳ khởi nghĩa”.
Vâng, để hiểu cho kỹ những gì đã thấm vào ông như một sự chuẩn bị đầy đủ của nhân cách và lòng yêu nước. Điều đó rất cần cho sự lý giải cuộc đời ông sau này.
Thời kỳ hoạt động ở mỏ vàng Bồng Miêu bị đuổi về quản thúc ở quê nhà Dĩ An, lúc đó phong trào cách mạng đã sục sôi lắm rồi. Năm 1940 Nam kỳ khởi nghĩa, người ta gọi “đi thôi ông ơi, đi cướp chính quyền. Các lực lượng làm mít tinh đã chờ ở đó cả rồi. Ở Trường Thọ, bà con đang chờ lực lượng Việt Minh tới”. Nhưng khi khởi nghĩa chưa tới, các cán bộ của phong trào, trong đó có Hoàng Đạo đang trên đường đi tới cuộc mít tinh thì bị bắt. “Thằng Quản Châu nó đuổi theo tôi ở giữa đường. Vật nhau với nó, tôi vùng tháo chạy, nhảy qua rào để xuống con mương. Nó bắt lại được. Thế là bắt đầu lại cuộc đời tù”.
Hoàng Đạo ngừng lời. Không phải ông nhớ lại những chiếc sà lan khủng khiếp, mà có lẽ nhớ lại một người: Ông Trần Văn Út, người đã cùng hoạt động thành lập Đảng ủy đường sắt, khi còn là công nhân xe lửa - “Anh Út chính là rể của ông Trần Hữu Độ, một trí thức lớn. Tôi lúc đó là một trong đoàn đại biểu công nhân viên chức hỏa xa phía Nam do ông Trần Văn Út làm trưởng đoàn, tham dự tổng đình công của công nhân đường sắt. Ông Độ là người góp phần tuyên truyền, dịch lý luận chủ nghĩa Mác in thành từng cuốn bỏ túi. Anh Út bị giặc đánh đến chết. Trong tù, tôi chứng kiến tấm gương này, vậy mà nay không một ai nhắc tới anh!”.
Quãng đời làm công nhân xe lửa, ở Depol Tháp Chàm đó còn để lại bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu điều băn khoăn về con người chưa được nói tới - Hoàng Đạo cầm cuốn sổ ghi chép của tôi, ông vẽ lại chiếc chìa khóa bằng tuýp có cán, mạ crôm. Đó là kỷ niệm của ông, người công nhân trực tiếp làm ra chiếc chìa khóa, ghi lại mốc lịch sử tuyến đường sắt xuyên Việt được nối liền đường xe lửa Đông Dương, lúc đó chỉ mới xây dựng từng đoạn. Hảo Sơn là chỗ ráp nối. Trong cái ngày tuyến đường sắt lần đầu tiên được nối liền. Đức vua Bảo Đại sẽ cầm một chìa khóa, còn chiếc chìa khóa thứ hai do toàn quyền Đông Dương Pasquier cầm. Hai người vặn hai ốc nối liền đường sắt bằng hai chiếc chìa khóa đó.
Bây giờ ngôi nhà tại đường Lê Văn Sỹ thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn có một “xưởng thợ” nhỏ gồm các đồ nghề. Ông dùng để dạy thằng cháu nội đang là sinh viên đại học Bách khoa. Từ cái ngày là anh thợ làm ra hai chiếc chìa khóa thông đường sắt ấy, cho đến lúc về hưu là chuyên viên 5 của ngành công nghiệp, trải quãng đời mấy chục năm. Có lúc người ta nhớ tới ông như một người thợ giỏi, lắm sáng kiến, tay nghề cao. Có lúc thì ông được nhìn nhận như một nhân vật tình báo đầy huyền thoại. Nhà tình báo ấy nhớ lại ngày máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Ngọc Hà, Hà Nội: “Lúc đó tôi làm giám đốc nhà máy chè Phú Thọ - Tôi bảo lính cũ của tôi lên Ngọc Hà, chỉ cho họ lấy những mảnh xác máy bay. Tôi làm thành bộ bàn ghế ngồi, có khắc cả tên viên phi công bị bắt. Khi trở về miền Nam, bè bạn mỗi người lấy một cái. Tôi còn làm một chiếc bật lửa nhờ ông Xuân Thủy, trưởng phái đoàn ta tại hội nghị Paris chuyển qua Kissinger kèm thư gởi cho Tổng thống Mỹ Nixon. Và cũng nhờ ông Xuân Thủy nói có một người thợ nguội Việt Nam chuyển tặng Tổng thống Nixon chiếc bật lửa làm từ xác máy bay Mỹ. Nghe nói rằng Tổng thống Nixon đã gởi lời cám ơn.
Thì ra, nhà tình báo, người thợ này còn có cả chất tưởng tượng lãng mạn của một thi nhân và cũng có thể nhận ra chất của một chính khách ngoại giao trong hành động ấy.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI