Điệp viên A.13 Hoàng Đạo |
17. Ở bảo tàng Thanh Hóa, ngoài bức tượng của ông có một cây gậy do Bác Hồ tặng cho ngành điệp báo, rồi ngành điệp báo tặng cho người lập công trong ngành. Hoàng Đạo đã tặng cho Thanh Hóa. Bác Hồ đi Trung Quốc được công nhân bên đó tặng cho cây ba toong, cây gậy thứ hai này Bác làm quà tặng cho những ai có chiến công giỏi nhất, “Ông Nguyễn Tạo giao cho tôi, kèm theo cái tín thư. Ông dặn: Bác thưởng cho những ai lập công lớn nhất. Vì vậy anh phải giữ gìn nó, ngoài những huân chương gì Nhà nước tặng anh, tôi không cần biết”. Cây gậy này sau gửi ông Vũ Kỳ trao tặng bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên Hoàng Đạo gặp Bác, chính là thời kỳ ông làm Trưởng ty Công an Thanh Hóa.
“Hình như vào khoảng năm 1946, Bác đi thăm vùng Phát Diệm. Tôi lúc đó còn là cán bộ lăn lộn thực tế ít được học hành nghiên cứu đâu đã biết hết tầm vĩ đại của Hồ Chí Minh. Mới chỉ biết đó là con người hết lòng vì dân vì nước, giành độc lập. Nhưng những gì thuộc phẩm chất cá nhân Bác lúc đó tôi chưa thể biết hết như chúng ta được đọc nhiều trên sách báo. Hoàng Đạo mỉm cười nhớ lại hình ảnh cách đây hơn nửa thế kỷ tại bến phà Thanh Hóa. Lúc đó kháng chiến đường bị phá rồi, nghe nói phải khiêng chiếc xe của Bác qua khỏi chỗ phá đường. Bác chống cây ba toong đứng ở đầu xe dưới phà. Tôi thưa: Bác đừng đứng trước mũi xe như vậy, cái thắng xe nó vô cùng, mời Bác đứng qua một bên. Chắc nghe tôi gọi cái phanh là cái thắng Bác liền nói: Chú là người miền Nam phỏng? Dạ, cháu là công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An. Bác hỏi tôi làm gì ở Thanh Hóa. Sau khi biết làm công an, Bác hỏi: làm công an có phê và tự phê không? Dạ có! Có rút kinh nghiệm không? Dạ có. Có bàn bạc với anh em không? Dạ có. Bác cười. Cái gì cũng có hết. Thế làm có tốt không? Tôi không dám “dạ có” nữa. Nhưng sau này, tất cả những điều Bác hỏi đó, tôi soạn thành cái tài liệu học tập cho nội bộ như: dân chủ bàn bạc kế hoạch, quy luật phê và tự phê - Làm việc phải rút kinh nghiệm. Những câu hỏi ngắn của Bác trở thành các phương pháp công tác. Bác cười rất hiền hậu và đó là nụ cười tôi nhớ mãi. Bởi vì nó tương phản với vẻ nghiêm khắc vào buổi tối, khi ngồi bên lò sưởi hút thuốc, Bác lo lắng trước tình hình mất đoàn kết của “cán bộ địa phương”.
Dạo đó, cán bộ có nhiều nguồn: những người đã trải qua tù đày ở Buôn Ma Thuột, ở Côn Lôn về, nhiều nguồn nên chưa hiểu rõ nhau. Không hiểu sao Bác biết, Bác yêu cầu nhân dịp Bác ghé thăm cho Bác dự cuộc họp thường vụ.
Nhớ lại lúc Bác hỏi “Chú người miền Nam phỏng?” khác hẳn lúc Bác gặp các nhân sĩ, người lãnh đạo tỉnh. Bác ngồi trầm ngâm bên lò sưởi, đợi các ủy viên trong thường vụ đến họp. Hoàng Đạo lúc ấy là công an, lo bảo vệ chuyến đi của Bác đến địa phương mình. Ông cảm thấy Bác Hồ là một người giản dị dễ gần, dù Bác là Chủ tịch nước. Vậy mà số cán bộ tỉnh ủy thời đó, ngồi kiểm điểm, nghe Bác nhấn mạnh: lãnh đạo cách mạng mà không đoàn kết, thì sao dân có thể đoàn kết thành một sức mạnh chống giặc được? Ai nấy có vẻ lo sợ trước thái độ nghiêm khắc của Bác mà cũng có thể vì họ sợ hãi ngay chính cái hậu quả của khuyết điểm. Họ đã làm sai, đã để cho người mà họ yêu kính phải phiền lòng. Mọi người nhìn thấy cái cạn hẹp của mình làm hại sự nghiệp lớn. Hoàng Đạo nhắc tới tên những cán bộ thời đó, đầy trân trọng, Như Bùi Đạt, Lê Chủ, Lê Tất Đắc. Ông trân trọng cán bộ ngày đó trong sáng. “Họ vấp phải những khuyết điểm, khi được chỉ ra, biết đau đớn trong lương tâm, chứ không như bây giờ có người làm sai vẫn chẳng sao, miễn là thoát được sự trừng phạt”. Khi Hoàng Đạo nói lên sự liên hệ đó, tôi chắc trong đầu ông đang dồn dập hiện lên vụ án những vị chủ chốt to gan thời nay dám xơi tới cả hàng tỷ đồng xương máu của nhân dân mà đâu có ngừng, nếu không bị pháp luật trừng trị. Ông nói, Bác Hồ gần tới phút lâm chung còn viết lại Di chúc cho Đảng cho dân, dặn phải gìn giữ đoàn kết như con ngươi của mắt mình. Nói tới đó, trong ông phải chăng hiện lên hình ảnh của ngày xưa ấy, ở Thanh Hóa.
Kể đến đây, ông Hoàng Đạo bỗng như cố nhớ một điều gì xa xăm lắm. Rồi ông hạ giọng trầm ngâm: “Nhà thơ Hải Như viết về Bác, tôi nhớ lõm bõm hai câu còn hai câu quên mất: “Bác Hồ đứng, người sau không bị khuất, Bác Hồ đi dọn bước cho người sau. Bác Hồ nói nhường lời cho người ta nói”. Hay quá đi! Tôi đọc lên là nhớ lại đúng hình ảnh ấy về Bác Hồ ngay từ những ngày đầu cách mạng ở Thanh Hóa. (Còn tiếp)
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI