Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 17-10-2014 | 10:57:13

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Thực sự là một mặt trận - hình hài, đối tượng của đấu tranh ngày nay đã khác. Nó nằm trong nội bộ nhân dân mình. Còn sự thù địch bên kia chiến tuyến thì cũng đã trở nên phức tạp tinh tế hơn. Hình hài nhận diện khó hơn. Thời các cụ thì có cái gay gắt khác, gián điệp, vài nhóm phản động và cuộc đấu tranh trên diện lớn địch - ta, chứ còn trộm cắp lúc đó không là gì. Những khách thể xã hội đòi hỏi phải được bảo vệ bây giờ nhiều hơn. Hải thí dụ ngay điều đơn giản: Trộm xe gắn máy ở thành phố Hồ Chí Minh là một tổn thất lớn của dân mà hoạt động của công an chưa có hiệu quả. Mỗi tháng, con số hàng trăm xe bị mất cắp. Tôi ngăn lại khi Hải đứng dậy lục tìm hồ sơ để đưa ra con số mới nhất - Tôi không muốn mất thì giờ, vì không đi phỏng vấn lấy con số cụ thể cho một cái tin đăng báo. Tôi muốn vẽ một chân dung - “đau đầu, nguy hiểm, thiếu hiệu quả, đó mới chỉ là việc mất trộm xe máy” - Hải nhăn mặt thoáng qua: “Từ những việc mang tính an toàn xã hội làm chưa tốt, sẽ chuyển hóa lòng dân, thì thành vấn đề lớn”. Đó là chưa nói tới ma túy, mại dâm, du nhập xã hội đen... So với nước ngoài, mình còn kém xa về trang bị cho nghề nghiệp. Ngay so với các ngành khác ở trong nước, cũng còn thua xa lắm...

Thôi rồi, tôi đã đi vào một lĩnh vực hoàn toàn chuyên nghiệp, đi quá xa những gì định so sánh với nhân vật Hoàng Đạo. Hình ảnh chiến công và hoạt động của ông không hề hiện diện trong các công việc của con ông hôm nay. Thời đại đổi khác, con ông đương đầu với một nhiệm vụ khác hẳn. Bỗng nhớ câu nói của ông: “Một số bạn trong ngành công an nhận xét là nó thông minh hơn cả tôi” - Bài học mà ông hay tổng kết giống như nói về một ai đó chứ không phải là ông: Sống cảm tính, ít lý tính - Hoạt bát thông minh đạt được thành công do nói thật, nói thẳng. Thất bại cũng chua cay trong tính cách này mà thành công, cũng không nhỏ”. Những điều tự tổng kết của một người hoạt động môi trường khác hẳn, thuộc về một thời điểm lịch sử đã trôi qua. Cái gì ông đã truyền cho các con? Câu hỏi này cũng giống như khi tôi phỏng vấn một linh mục là tiến sĩ đại học Sorbone rằng điểm gì là đặc điểm quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam - Hoàng Đạo bảo rằng không nên hỏi vậy vì đó là câu hỏi quá lớn - Ông nói, không ai trả lời toàn vẹn câu hỏi đó - Nếu được chọn, thì ông chọn tính trọng nhân nghĩa đặt lên hàng thượng của văn hóa Việt.

Các người con ông Hoàng hôm nay cũng vậy - Họ học gì, có những gì của người cha? Tôi cũng đặt lên hàng thượng lòng trung thực với nhiệm vụ và đức tính thẳng thắn, dấu vết rõ nét của người cha. Cả một đoạn đường đời dài xuyên gần thế kỷ tưởng đến đây đã có thể dừng lại thảnh thơi, rũ bụi đường xa- bụi của đường đời.

Thời gian trôi qua trong đời mỗi người, nhưng với ông, thì thời gian đang mất đi - “Phía trước không còn gì lắm” như ông nói và sống hữu ích lúc này là một sự đấu tranh với chính bản thân mình - Không, từng hạt bụi đường xa của những người cách mạng trong hai cuộc kháng chiến cực kỳ anh dũng và đau thương, mỗi hạt bụi là cả một câu chuyện đời.

33.“Tôi chưa kể cho cô nghe về mối tình đầu của tôi” - Ông bất ngờ thổ lộ sau khi cuốn sách này tưởng đã viết xong dòng cuối. “Có một tờ báo khai thác chuyện những người đàn bà đã gắn bó với cuộc đời của A.13. Họ viết về người vợ đã mất, về chị Nguyễn Thị Lợi, về người vợ hiện nay của tôi. Nhưng tôi không nói gì với họ về mối tình đầu”.

Đó là một chuyện tình bi thảm và đẹp đẽ đến với chàng trai, còn cô gái đã tự vẫn trên dòng sông. “Vào khoảng năm 1934-1945 gì đó tôi không nhớ nữa, nhưng chắc chắn khi chưa có Mặt trận Bình dân” - Chàng trai đã qua thử thách của nhà tù Catinat, Khám Lớn, trở thành nhân vật người tù vị thành niên trong tác phẩm của Tạ Thu Thâu xuất bản ở Pháp - Anh ra tù, bị mất việc làm, phải soạn cái lễ 10 đồng cho đốc công để được vào làm thợ nguội ở hãng sửa chữa tàu Cimac (nay là hãng Cacric cũng vẫn sửa chữa, đóng tàu nhỏ bên kia sông Sài Gòn). Công việc của anh là người ta đúc đồ xong, anh làm sạch trước khi mạ. Có khi xoáy lại cái Rô-bi-nê cạo rà những cái Cut-sô-nê. “Lúc đó các cơ sở Đảng bị đàn áp, vỡ khá nhiều. Chúng tôi phải lập một chi bộ ghép cho đủ ba người. Một người công nhân nhà đèn Hai Bà Trưng, tôi bên Cimac, anh Trần Văn Khung thợ sắt Ba Son làm bí thư”.

Sống ở quê Dĩ An, hàng ngày chàng thanh niên đạp xe xuống Sài Gòn, đi làm nuôi mẹ và hoạt động tiếp trong phong trào công nhân. Buổi trưa, sau khi ăn bữa cơm Lâm vố ở quán bình dân bên đường, anh đến đầu cầu Thị Nghè, nơi có quán giải khát, có bóng mát ngồi nghỉ để chờ tới giờ chiều đi làm tiếp. “Lúc đó 3 xu một dĩa cơm, 3 xu một tô phở, 2 xu một ly café, còn café thất nghiệp thì 1 xu. Ở Sở thú có quầy bán nước đá chanh 2 xu”. Đó là nơi chàng trai hay đến ngồi. Phụ việc bán giải khát là một thiếu nữ xinh xắn dưới quê lên. Ngày đó đâu phải như bây giờ - đến hỏi thăm nhau cũng không dám. Họ chỉ nhìn nhau trong sự kín đáo. Cô tới bê một cốc nước chanh. Chàng trai lặng lẽ uống từ tốn - Chỉ có vậy nhưng họ thầm nhớ nhau. Anh đến chậm, cô mong ngóng. Hôm đến không thấy cô bán hàng, anh buồn. Mối tình thơ mộng này không giống các mối tình tiểu tư sản trong bài hát cũ về một cô nàng café e ấp hay cười làm say mê bao gã thiếu niên đa tình, mặc dù lòng người cũng theo quy luật nhớ nhung của tình yêu “hôm nào cũng ghé qua hàng, mong trông thấy bóng cô nàng, thì trong chàng mới yên”. Đây là mối tình của anh thợ nghèo với cô gái quê nghèo đi ở đợ, diễn ra trong im lặng. Có hôm không còn đủ tiền uống nước chanh, anh cũng đến ngồi ở đó để hưởng bóng mát trưa hè. Cô gái quen lệ, vẫn bưng ly đá chanh tới. Anh vội nói “Hôm nay tôi không có tiền đâu”. Cô bé vẫn im lặng đặt cốc nước cho anh uống. Khi lấy cái ly đi, cô còn để lại bàn cho anh 3 xu, giống như người ta thối tiền thừa cho khách. Một số lần sau, cô còn tăng thành 5 xu đủ cho cả ăn sáng.

Một hôm, anh được những người thợ trong xưởng báo là mật thám tới tìm bắt anh tại nhà máy nhưng không gặp. Anh phải trốn đi ngay. Con đường đi sẽ rất gian nan: Phải đi bộ ra Nghệ An rồi qua Lào vì nghe đâu bên đó có mỏ chì, đang cần công nhân, là nơi có thể tạm lẩn trốn.

Một đêm từ biệt mẹ bao nhiêu thương nhớ - Chàng trai cũng không thể ra đi mà không chào từ biệt cô gái bán giải khát tử tế đã thầm giúp đỡ mình. Anh đến quán lần cuối để nói rằng từ ngày mai anh không đến nữa vì có việc đi xa. Cô bảo “cho em đi theo với” - Sau khi bị từ chối một cách thành thật, cô xin: Nếu không cho đi theo được, cho cô được đi tiễn một đoạn đường.

Sáng sớm hôm sau, họ hẹn nhau bên kia đò Thủ Thiêm.

“Đêm trước về nhà, mẹ bán cái xe đạp được 18 đồng, bọc tất cả cho tôi đi. Từ giã mẹ, đau khổ theo kiểu khác, còn với cô gái, nỗi nhớ nhung của người con trai lần đầu biết rung động, tôi không tả được trong cuộc nhớ nhung này. Chỉ thấy là thiếu cô tôi không sống nổi. Từ giã bến sông hàng ngày mình đi làm còn lưu luyến, thì với người thương nhớ, biết bao nhiêu đây?”.

Cô đi theo, mặc bộ bà ba đen cắp chiếc nón lá. Suốt từ ngã ba Thủ Thiêm tới ngã ba Giồng Ông Tố, họ bước đi lặng lẽ trong ban mai còn mờ tối. Thỉnh thoảng hỏi nhau vài câu bâng quơ. Anh hỏi thăm ra đường quốc lộ 1. Người ta chỉ cứ đi theo dọc con đường tới ngã ba Cát Lái, đi tiếp sẽ tới ngã ba Tân Vạn, rẽ tay mặt là ra quốc lộ 1. Họ lặng lẽ đi trong nước mắt, mệt thì ngồi nghỉ bên đường. Đi ngang suốt một vùng chăn trâu hồi nhỏ, anh chỉ cho cô gái cánh đồng thơ ấu của mình, không phải những phong cảnh thơ mộng mục đồng, mà là quãng đời thơ bé cơ cực đi làm thuê trả tiền nợ chôn cha. Đó là cánh đồng dọc sông Đồng Nai, nơi bên kia là Bến Gỗ có tiếng chuông nhà thờ mà chú bé mong mỏi nó đổ chuông để được giao trâu cho thợ cày, rồi đi về làng cắt cỏ... Cô gái im lặng bước đi lắng nghe câu chuyện đời đau thương của người con trai mà mình sắp từ biệt - “Đây là lần đầu tiên tôi hôn lên má của người con gái với bao yêu thương và đau đớn nhớ nhung”. (Còn tiếp)

 

Ông MAI SƠN VIỆT, nguyên Bí thư Huyện ủy - kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh huyện Đồng Nai: Hoàng Đạo xuất sắc che mắt địch với vai diễn điệp viên

“Ông Hoàng Đạo (tức Nguyễn Văn Hoàng) đã lập thân, lập nghiệp bằng cách tự mày mò, học hỏi”, đó là nhận xét của ông Mai Sơn Việt (tên thật là Mai Văn Song, SN 1922), ngụ tại P.Phú Cường, TP.TDM, nguyên Bí thư Huyện ủy - kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Đồng Nai, thuộc chiến khu Đ (thời kỳ 1948). Ông Mai Sơn Việt tâm đắc với chi tiết trong cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”, dù không được học nhiều nhưng với lòng yêu nước ông Hoàng Đạo đã trở thành người viết báo. Ông đã phóng bút viết nên những tác phẩm hay, thể hiện cuộc sống cơ cực của người dân dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Ngoài ra, để trở thành một điệp viên, ông Hoàng Đạo cũng đã tự học cách ăn, cách nói, cách giao tiếp… để không bị phát hiện. Ông đã “diễn” xuất sắc vai thượng thư trong cái “Ủy ban tham mưu tối cao của Pháp-Việt”. Những đức tính, chấp nhận dấn thân, tự học tập, hi sinh cho cách mạng của ông Hoàng Đạo, lớp trẻ cần học hỏi để tự hoàn thiện bản thân. Dù khó khăn chăng nữa, thế hệ trẻ ngày nay không nên lùi bước mà cần mạnh mẽ vượt qua. Như vậy mới xứng đáng là thế hệ thanh niên gương mẫu, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

TỐ TÂM

 

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1740
Quay lên trên