Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 28-12-2016 | 10:19:25

Trong giai đoạn 2010- 2015, Bình Dương tiếp tục chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bước đầu, chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.

Từ chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn của tỉnh được đầu tư đồng bộ. Trong ảnh: Đường giao thông nông thôn đi qua địa bàn xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo được xây dựng khang trang, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Ảnh: C.SƠN

Trong giai đoạn 2010-2015, chương trình xây dựng NTM của tỉnh được tiến hành song song cùng sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa. Bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Bình Dương đã xác định đích đến của chương trình này không hẳn là thành tích số xã đạt chuẩn NTM mà chính là quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn… Chính vì vậy, so với các địa phương khác, Bình Dương là địa phương sớm bắt tay vào xây dựng NTM. Tỉnh đã sớm ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho các xã trên địa bàn tỉnh. Để chương trình này được triển khai đúng hướng, khi bắt tay vào thực hiện, tỉnh không xây dựng ồ ạt mà có sự khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn của từng xã để phân kỳ thực hiện, bảo đảm tính khoa học, hợp lý nhất. Theo đó Bình Dương đã chọn 30 xã thí điểm quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nếu như nhiều địa phương chỉ chọn 1 xã xây dựng điểm thì Bình Dương có 5 xã điểm phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2013 gồm: An Sơn (TX.Thuận An), Tân Long (Phú Giáo), Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), Thanh An (Dầu Tiếng), Chánh Phú Hòa (TX. Bến Cát).

Ngay từ giai đoạn đầu, tỉnh đã xác định thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM cũng như lồng ghép với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác, qua đó từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng hiện đại. Khắc phục các khó khăn, hạn chế, các địa phương xây dựng NTM trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và các nguồn khác cho xây dựng NTM. Trong đó, phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”, được chính quyền các cấp và nhân dân nhiệt liệt tham gia. Từ đây, nhiều địa phương đã có các cách làm sáng tạo hiệu quả, phát huy được sức dân. Chẳng hạn, đối với xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn được lồng ghép và hưởng lợi từ chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa. Từ đây NTM tại Bình Dương được thừa hưởng thuận lợi từ hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, giao thông… trong quá trình chuyển mình từ tỉnh thuần nông thành thành phố công nghiệp. Các tổ chức đoàn thể chính trị cũng có những cách làm phát huy hiệu quả cao trong thực tế như: Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh Bình Dương phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM”. Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”, qua đó đã vận động xây dựng nhiều căn nhà nhân ái, thực hiện sửa chữa, dặm vá hàng loạt tuyến đường giao thông nông thôn; thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” với việc trang bị hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường... Song song với quá trình xây dựng NTM, Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Qua đó, tỉnh cũng đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm trước. Điều này đã thay đổi tích cực cung cách và tư duy sản xuất của người nông dân tại các địa bàn nông thôn. Đây là cái đích mà tỉnh muốn nhắm tới trong quá trình đô thị hóa cũng như xây dựng NTM.

Chính từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, quyết tâm chú trọng đến chất lượng xây dựng NTM, kiên trì thực hiện chủ trương này nên chương trình NTM của Bình Dương có những bước đi đúng hướng, vững chắc. Không có địa phương nào của tỉnh xảy ra hiện tượng nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTM. Nhờ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan. Chương trình đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của khu vực nông thôn; đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh trong việc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn bên cạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

 CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1470
Quay lên trên