Xác định việc quan trọng nhất là chăm lo, hỗ trợ cho người dân; triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, kịp thời và có kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các gói hỗ trợ để không bỏ sót đối tượng khó khăn trên địa bàn nên thời gian qua, TP.Thủ Dầu Một và các phường trên địa bàn đã tập trung mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân, nhất là người lao động ở trọ.
Bà Võ Thị Bạch Yến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một tặng quà cho người ở trọ khó khăn
Đến tận khu nhà trọ vận động
Trong những ngày qua, trước thực tếnhiều người lao động (NLĐ) ở trọ muốn trở về quê, lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một và các phường đã kịp thời có mặt để vận động công nhân ở lại. Cụ thể, ngay từ chiều 30-9, bà Võ Thị Bạch Yến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã đến tận các khu nhà trọ của phường Phú Lợi để nắm tình hình, thăm hỏi, vận động công nhân tạm trú không tự ý bỏ về quê.
Tại các nơi đến, bà Võ Thị Bạch Yến đã thăm hỏi tình hình đời sống, công việc của công nhân lao động; đồng thời tuyên truyền vận động, giải thích chủ trương phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương nói chung, TP.Thủ Dầu Một nói riêng và đề nghị công nhân bình tĩnh, không nên tự phát về quê, gây khó khăn cho công tác phòng, chống ở quê nhà. Đồng thời, bà cũng thông tin thêm những chính sách hỗ trợ cho người ở trọ, người có hoàn cảnh khó khăn và yêu cầu địa phương vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê phòng, cung cấp thêm lương thực thực phẩm, hỗ trợ tiêm phòng vắc xin… cho công nhân tạm trú và mong muốn NLĐ tạm trú tại địa phương sẽ cùng chính quyền vượt qua dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng trở lại nhịp sống trong trạng thái “bình thường mới”.
Tại phường Phú Mỹ, bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường đã phối hợp với các chi hội nữ công nhân nhà trọ đến tận các khu nhà trọ để tuyên truyền vận động NLĐ xa quê ở lại Bình Dương. Tại mỗi nơi đến, bà Nguyễn Thị Hồng Yến đã giải thích với người ở trọ về những chính sách mà tỉnh Bình Dương đã và đang hỗ trợ NLĐ ở trọ thời gian qua. Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, tỉnh đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh như hỗ trợ tiền nhà trọ (300.000 đồng/người) và lương thực thực phẩm cho công nhân khó khăn ở trọ (500.000 đồng/người). Riêng phường Phú Mỹ đã có nhiều phần quà gồm nhu yếu phẩm, rau củ quả dành tặng cho người ở trọ khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, người ở trọ được tiêm ngừa vắc xin, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
Hiện nay, Bình Dương đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, từng bước khôi phục nền kinh tế, NLĐ sẽ có cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, NLĐ tự ý trở về địa phương sẽ mang theo hiểm họa về dịch bệnh cho gia đình, người thân và bà con ở quê. Các hành vi lây nhiễm dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong khi đó, cơ hội việc làm ở quê không nhiều. Và, trong những ngày qua, tại các phường trên địa bàn thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động công nhân lao động đang ở trọ không tự ý về quê; đồng thời vận động các chủ nhà trọ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền hỗ trợ NLĐ ở trọ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo ghi nhận, đa số người dân đều hiểu và đồng thuận với chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các đoàn vận động còn thay mặt chính quyền để lắng nghe những ý kiến của người dân, tâm tư nguyện vọng, nắm bắt tình hình dư luận và khó khăn của công nhân lao động để kịp thời tham mưu Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời, để người dân an tâm.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Với chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tại các phường, hoạt động chăm lo cho người dân, nhất là người ở trọ khó khăn được quan tâm. Điển hình là chương trình “Chuyến xe yêu thương” ở 14 phường. Mô hình các chuyến xe yêu thương được thực hiện hiệu quả và bảo đảm kịp thời đáp ứng, hỗ trợ cho người dân, NLĐ ở trọ trên địa bàn.
Chị Nguyễn Phương Anh, ở khu phố 7, phường Phú Mỹ, chia sẻ: “Ở đây có 20 phòng trọ. Đến thời điểm này ở đủ không một ai về quê. Về quê làm gì? Trong khi ở nhà trọ đã được miễn giảm. Lương thực, thực phẩm được chủ nhà trọ, chính quyền địa phương cung cấp đầy đủ, còn được hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Sau mấy tháng chờ đợi, nay đa phần chúng tôi cũng đã quay lại công việc hoặc xin được việc làm mới”. Còn anh Đặng Văn Hùng ở khu phố 4, phường Phú Mỹ thì bày tỏ sự phấn khởi: “Tui ở Tiền Giang lên làm thợ hồ, 3 tháng kẹt ở công trình xây dựng. Tôi may mắn được phường cho cơm, hỗ trợ gạo, mì gói đầy đủ. Nay công trình đã làm lại. Tôi rất yên tâm ở lại làm việc”.
Tính đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã được kiểm soát. Thành phố cũng đã thực hiện tốt công tác chi trả các chính sách, chế độ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh với tổng số tiền đã giải ngân gần 211 tỷ đồng. Toàn thành phố đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt cho công tác phòng, chống dịch với trên 7 tỷ đồng tiền mặt; 711.244 phần nhu yếu phẩm trị giá gần 69 tỷ đồng; đồng thời vận động 2.389 chủ nhà trọ trên địa bàn miễn, giảm tiền thuê trọ cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền gần 11 tỷđồng.
Những ngày qua, tại TP.Thủ Dầu Một, cuộc sống đã nhộn nhịp trởlại sau gần 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Tuy còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng cuộc sống, sinh hoạt của người dân dần ổn định, đường sá đông đúc, người dân đi lại nhiều, hàng quán mở cửa trở lại... Những điều tốt đẹp đang bắt đầu.
THU THẢO - T.D.M