Đồng minh nhưng không đồng lòng

Cập nhật: 11-06-2019 | 10:06:48

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh mà không đạt được nhiều kết quả như kỳ vọng. Quan hệ đồng minh đặc biệt Mỹ - Anh được xây dựng bền chặt qua nhiều thời kỳ đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Một chuyến thăm được đánh giá chẳng có kết quả gì trong bối cảnh cả hai cường quốc đều ở vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng".

"Mặt tối" sau ánh hào quang

Anh và Mỹ vẫn tự hào rằng thế kỷ 20 được coi là thế kỷ của mối quan hệ Anh-Mỹ, bởi bản thân nước Anh thích gọi như vậy khi không gì có thể xen vào giữa họ. Chiến tranh Lạnh kết thúc, thời hậu chiến bắt đầu định hình, mối liên minh lại càng chặt chẽ hơn. Từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên cho đến thứ hai, mối quan hệ đặc biệt này vẫn luôn đặc biệt như nó từng thế.

Trong những năm đó, Thủ tướng Anh John Major đã điều một sư đoàn thiết giáp đến Vùng Vịnh và tuân thủ sự chỉ đạo của Tổng thống Mỹ George H.W. Bush. Những người kế nhiệm là Thủ tướng Tony Blair và Tổng thống Bill Clinton cũng từng nắm tay nhau trong cuộc chiến Kosovo. Và không lâu sau đó, Blair cũng đã sát cánh bên George W. Bush trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Nữ hoàng Anh tiếp Tổng thống Donald Trump và Phu nhân. Ảnh: Wall Street Journal.

Cho tới chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Anh, một bối cảnh hết sức đặc biệt, truyền thông Anh gọi đây là chuyến thăm "khác thường" nhất trong lịch sử ngoại giao nước này những thập niên gần đây, bởi sau khi ông Donald Trump rời Anh ngày 5-6 thì chỉ 2 ngày sau Thủ tướng Theresa May cũng từ chức.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ tới Anh vốn đã được hai bên nhất trí từ hồi tháng 1-2017 khi bà May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump lúc ông vừa lên cầm quyền. Tại thời điểm đó, Tổng thống Trump được xem như "làn gió mới" trong chính trường Mỹ, còn Thủ tướng May vẫn đang kỳ vọng vào khả năng sẽ đưa được nước Anh rời EU để tìm một chân trời phát triển độc lập, trong đó phải kể đến tiềm năng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do riêng với Mỹ.

Chính vì vậy, hai bên từng coi việc Tổng thống Mỹ tới Anh là cơ hội để tán thưởng "mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ, thúc đẩy các kênh kết nối thương mại và tái khẳng định hợp tác an ninh". Nói cách khác, Mỹ và Anh từng cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng, đó sẽ là "thời điểm vàng" tiếp thêm động lực cho "mối quan hệ đặc biệt" đã tồn tại hơn 7 thập niên, nhất là khi nước Anh đang trong tiến trình rời EU.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ấy, một Brexit hỗn loạn, chia rẽ nội bộ tại Anh và hơn 2 năm cầm quyền đầy biến động trên mọi mặt trận của Tổng thống Trump đã biến "thời điểm vàng" thành "thời điểm nhạy cảm".

Cũng trong 2 năm qua, "mối quan hệ đặc biệt" Anh- Mỹ rơi vào căng thẳng do phát sinh không ít mâu thuẫn. Không ít lần, những dòng chia sẻ trên trang Twitter của Tổng thống Trump nhắm vào các vấn đề nội bộ của Anh khiến cả chính giới lẫn người dân Anh tức giận. Một báo cáo của ủy ban Thượng viện Anh công bố cuối năm ngoái thừa nhận rằng chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tổn hại mối quan hệ Anh-Mỹ.

Chuyến thăm của ông Trump tới Anh đã liên tục bị trì hoãn, một phần do những bất đồng phát sinh giữa hai đồng minh từng rất khăng khít này. Ngay cả chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 7 năm ngoái của ông Trump tới Anh cũng không giúp khỏa lấp những căng thẳng giữa hai bên, thậm chí, "mặt tối" của mối quan hệ Mỹ-Anh càng thêm "lộ sáng".

Khó có thể đánh giá chuyến thăm lần này của ông Trump sẽ mang lại điều gì cho quan hệ Mỹ-Anh. Hơn nữa, việc Tổng thống Mỹ tới Anh vào thời điểm này, được cho xuất phát từ tính toán lợi ích của Washington, tìm cách hối thúc London "theo chân" Mỹ trừng phạt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei.

Dẫu vậy, thời điểm Anh có thể ủng hộ đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vô điều kiện, như khi cùng Mỹ tấn công Iraq hay không kích Syria, dường như đã qua. Và trên thực tế, chuyến thăm này chưa chỉ rõ hướng giải quyết những bất đồng hiện tại giữa hai nước. Trong cuộc họp báo với Tổng thống Trump sau hội đàm, Thủ tướng May vẫn thận trọng lưu ý rằng hai bên đang có cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, bà May cũng khẳng định rằng "hợp tác và thỏa hiệp là nền tảng cơ bản làm nên những quan hệ đồng minh vững mạnh". Anh vẫn muốn đảm bảo một mối quan hệ mới chặt chẽ với Mỹ hậu Brexit. Nhưng với một nhân vật khó đoán như Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ cũng sẽ không còn dễ đoán như nó từng tồn tại 70 năm qua. Như nhận định của các chuyên gia, tuy là đồng minh nhưng chưa chắc đã đồng lòng.

"Đầu tư" cho tương lai

Các chuyên gia nhận định, thật khó đoán ý đồ của Mỹ trong chuyến công du ồn ào tới Anh của Tổng thống Donald Trump. Bởi Mỹ đang cố tạo ra lợi thế chiến lược với một quốc gia vốn đang chìm trong khủng hoảng chính trị triền miên này với mục đích gì thì chưa ai rõ. Nhưng ông Trump hiểu rõ vị thế của Thủ tướng Anh Theresa May khi bà này đang đứng trước nguy cơ cắt đứt quan hệ với châu Âu.

Chính vì thế “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ đang ngày càng trở nên có ý nghĩa sống còn nhiều hơn với Chính phủ Anh. Và do đó, hy vọng ở đây là ông Trump sẽ giành ưu tiên cho quê hương của người mẹ gốc Scotland của ông, khi Anh theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nếu London tìm ra được cách thức để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều chuyên gia nhận định, ông Trump muốn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với thủ tướng kế nhiệm mới thay vì mối quan hệ thân mật với bà May. Nile Gardiner, Giám đốc Trung tâm Margaret Thatcher vì tự do tại Quỹ Di sản ở Washington nhận định: Tổng thống Trump đang nhìn xa hơn bà May và thông điệp của ông Trump phần lớn nhắm tới chính phủ kế nhiệm ở Anh.

Tổng thống Donald Trump đến Anh trong bối cảnh Thủ tướng Anh chuẩn bị từ chức. Ảnh: Footwear News.

Tổng thống Trump hiện coi cách xử lý vấn đề Brexit của bà May là mang tính thảm họa. Chính vì thế, chính quyền Mỹ đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng để “mối quan hệ đặc biệt” trở thành hiện thực dưới thời ông Trump, nước Anh cần tuân theo quan điểm của Mỹ trong các vấn đề chính như Iran và Trung Quốc và Anh nên rời khỏi EU.

Không chỉ có thế, Mỹ còn muốn gây sức ép để buộc Anh cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc xây dựng mạng lưới 5G mới tại Anh. Chính quyền Mỹ, vốn lo sợ Trung Quốc gắn các thiết bị gián điệp vào công nghệ mới, đã cảnh báo động thái này có thể cản trở việc chia sẻ thông tin tình báo giữa 2 đồng minh trong liên minh tình báo “Five Eyes”.

Phía Mỹ cho rằng: Bằng cách cho phép Huawei phát triển các thiết bị công nghệ 5G, Anh đang gây nguy hiểm cho vị thế của mình - đối tác chia sẻ thông tin tình báo thân thiết nhất của Mỹ và là một thành viên của nhóm Five Eyes. Sau vụ việc này bà May thậm chí đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson vì vụ rò rỉ thông tin, tuy nhiên nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng với Washington là kế hoạch hợp tác với Huawei thì vẫn được duy trì.

Anh cũng đang duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ đã rút khỏi trước khi tiến hành chiến dịch gây sức ép kinh tế nhằm vào giới lãnh đạo tăng lữ của Tehran. Bên cạnh đó, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Jared Kushner, con rể ông Trump, dường như trái ngược với quan điểm của Anh rằng giải pháp 2 nhà nước là cách thức để chấm dứt xung đột Israel-Palestine.

Hàng rào Brexit

Brexit là cú chuyển mình về chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và nếu thực sự xảy ra, Anh sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ với Mỹ khi lơi dần quan hệ với 27 quốc gia còn lại của EU. Những người ủng hộ Brexit luôn coi một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng cho thành công của Anh hậu Brexit.

Vì vậy, chuyến thăm đã được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận thương mại độc lập Anh-Mỹ. Chính vì thế, trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Ông Trump đã khẳng định rằng một khi Anh rời EU, nước này sẽ là nước đầu tiên trong "danh sách lựa chọn" của Mỹ.

Nhưng thực tế những lĩnh vực Anh có thế mạnh đều rất dễ bị tổn thương khi xung đột thương mại với Mỹ, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã nâng mức thuế đánh vào hàng hóa của Mỹ tới mức các sản phẩm của nước này không thể cạnh tranh được tại những nơi đó.

Không ít người Anh phản đối chuyến thăm của Tổng thống Trump. Ảnh: independent.ie.

Mặt khác, một lượng lớn sản phẩm của Mỹ không tìm được thị trường tiêu thụ trên thế giới do chúng là các sản phẩm biến đổi gen hoặc có chứa hormone tăng trưởng hay quá trình sản xuất có sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm tại EU. Nhưng thực tế khi nước Anh khi vẫn còn danh nghĩa là nước thành viên EU, Anh không thể ký các hiệp định song phương vào lúc này.

Có thể thấy rõ Brexit đang giết chết mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ cả trong hiện tại và tương lai. Mối quan hệ đối tác của Anh với Mỹ luôn phụ thuộc vào những lợi ích mà nó tạo ra và mối quan hệ này hiện đang bắt đầu tụt dốc nghiêm trọng. Một năm sau chuyến thăm đầu tiên tới Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi quay trở lại Vương quốc Anh đã lập tức làm dấy lên một làn sóng giận dữ từ công chúng Anh, vốn có tới 70% phản đối vị tổng thống này, cũng như từ Quốc hội Anh, hiện đang cấm Tổng thống Trump không được phát biểu tại đây.

Những rạn nứt trong mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Vương quốc Anh hiện đã rõ ràng. Mặc dù chúng có thể xuất phát từ cá nhân tổng thống, song lại không chỉ dừng lại ở đó. Sự rối loạn trong nội bộ cả hai đất nước và sự xóa bỏ trật tự Anh-Mỹ đã đẩy mối quan hệ song phương cũng như kỷ nguyên mà mối quan hệ này góp phần định hình đi chệch hướng.

Những diễn biến hồi tháng 4 vừa qua càng khiến sự chệch hướng này khó có thể cải thiện. Bắt đầu là một chuyến công du London của Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ và sự can thiệp của bà vào vấn đề Brexit cách đây hai tuần về chủ đề gây tranh cãi nhất: Biên giới Ireland.

Bà Pelosi đã phản đối và nhắc lại lời cam kết lớn nhất thời hậu Brexit: “Nếu có bất cứ hành động nào làm suy yếu các thỏa thuận Ngày Thứ sáu tốt lành, sẽ không có cơ hội nào, không có bất cứ triển vọng nào cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh”.    

Trước đây, câu trả lời cho câu hỏi này từng có thời rất rõ ràng: Vào giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Anh sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Vào thời Chiến tranh Lạnh, họ tạo ra một sự hiện diện đế quốc trên toàn cầu và sở hữu những mối liên hệ ngoại giao phong phú. Và chỉ ngay sau Chiến tranh Lạnh, họ có kinh nghiệm trong việc xử lý các phong trào nổi dậy mà Mỹ không hề có và điều này thể hiện rõ trong thành công của Anh mà Mỹ thời kỳ này thì không có.

Mối quan hệ đặc biệt, thuật ngữ thịnh hành dưới thời cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, đã dần phai nhạt. Sóng gió trong mối quan hệ Mỹ-Anh và giữa những lãnh đạo của hai nước - điển hình là việc ông Churchill từ chối đến lễ tang của ông Roosevelt - đã lên đến đỉnh điểm sau đó một thập kỷ, khi Mỹ soạn ra các quy tắc của trật tự thời hậu chiến còn Anh thì cố bám trụ các thuộc địa của mình.

Những mối quan tâm của họ đã nhanh chóng chia rẽ và vào năm 1956, Tổng thống Mỹ Dwight D.Eisenhower đã đe dọa khiến Anh phá sản nếu nước này còn nỗ lực tái chiếm kênh đào Suez. Cho đến tận bây giờ, sau một nửa thế kỷ, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vẫn ám ảnh trong ký ức của người Anh và nó luôn được nhắc đến trong các cuộc thảo luận về Brexit.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1219
Quay lên trên