Từ ngày 22-5, hàng nghìn người Indonesia đã xuống đường biểu tình phản đối sau khi Ủy ban bầu cử công bố kết quả xác nhận rằng Tổng thống Joko Widodo thắng đối thủ của ông là tướng về hưu Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử ngày 17-4. Những diễn biến xấu tại Indonesia phản ánh điều gì?
Theo kết quả được Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) công bố ngày 21-5, ông Joko Widodo chính thức tái đắc cử tổng thống với 55,5% số phiếu. Tổng thống Widodo đã tuyên bố chiến thắng. KPU xác nhận kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Widodo chiếm được hơn 85 triệu phiếu bầu trong tổng số 154 triệu phiếu của cử tri, nhờ được ủng hộ từ các khu vực có mật độ dân số lớn như Bali và Đông Java.
Chương trình phát triển kinh tế, cải tổ cơ sở hạ tầng đã giúp ông Widodo giành chiến thắng, đối lập hoàn toàn với chính sách tăng cường ngân sách cho quân đội và quốc phòng của đối thủ Subianto.
Nhưng cựu tướng Prabowo Subianto tố cáo đã có gian lận phiếu mặc dù trước đó, một cơ quan giám sát bầu cử đã bác bỏ các tuyên bố về gian lận có hệ thống với lý do thiếu bằng chứng. Các nhà quan sát độc lập nói rằng cuộc bầu cử được tiến hành tự do và công bằng.
Ngay sau khi KPU công bố kết quả bầu cử chính thức, có khoảng 1.000 người ủng hộ ông Subianto đã tụ tập về trung tâm Jakarta sáng ngày 22-5 để biểu tình phản đối trong ôn hòa. Nhưng càng đến tối, số lượng người tham gia biểu tình ngày một đông. Có vẻ như phần lớn những người biểu tình từ ngoài Jakarta kéo vào và cảnh sát lục soát một số người thì tìm thấy tiền chứa trong phong bì, theo phát ngôn viên của cơ quan Cảnh sát Quốc gia Muhamad Iqbal cho biết trong một cuộc họp báo.
“Đây không phải là một vụ việc tự phát, đây là một cái gì đó được lên kế hoạch. Có nhiều dấu hiệu cho thấy đám đông được trả tiền để gây hỗn loạn”, ông Iqbal nói. Một số người đến mang theo cây gậy và một số người bôi kem đánh răng quanh mắt, dường như để chống hơi cay.
Trong khi đó tại thành phố Medan, phía bắc đảo Sumatra, hàng trăm sinh viên cũng đã biểu tình ôn hòa yêu cầu mở cuộc điều tra về cáo buộc gian lận bầu cử.
Cuộc biểu tình ở Jakarta lúc đầu ôn hòa nhưng sau đó đã biến thành bạo lực. Để đảm bảo an ninh, chính quyền Jakarta đã huy động hơn 30 nghìn cảnh sát và binh sĩ tham gia giữ gìn trật tự. Ngày 21-5, cơ quan cảnh sát quốc gia Indonesia cũng đã ban bố tình trạng báo động tại thủ đô Jakarta. Sang ngày 23-5, bạo loạn tại thủ đô Jakarta vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo (bên trái) và ứng cử viên chung liên danh Ma'ruf Amin tuyên bố thắng cử tại Jakarta, Indonesia, ngày 21-5.
Bạo loạn cũng xảy ra bên ngoài trụ sở Cơ quan Giám sát bầu cử quốc gia Indonesia (Bawaslu) đối diện với trung tâm mua sắm Sarinah, sau khi một đám đông ném chai xăng và pháo hoa vào các sỹ quan cảnh sát. Đã có 6 người chết, hơn 350 người khác bị thương trong các cuộc biểu tình bạo loạn. 257 đối tượng có liên quan đến các cuộc biểu tình bạo lực đã bị bắt giữ.
Trong một phát biểu trên truyền hình ngày 22-5, Tổng thống Widodo nói: "Tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai can thiệp vào quá trình bảo vệ an ninh và dân chủ, làm xáo trộn sự thống nhất của đất nước mà chúng tôi vô cùng yêu thương. Chúng tôi kiên quyết không khoan nhượng trước những kẻ bạo loạn phá hoại đất nước Indonesia. Không có lựa chọn nào khác, quân đội và cảnh sát Indonesia sẽ trấn áp tất cả mọi hành động trái với pháp luật".
Về phần mình, ông Prabowo Subianto bày tỏ sự lo ngại về con số thương vong trong cuộc bạo loạn. Một mặt, ông kêu gọi người biểu tình và cơ quan an ninh kiềm chế, mặt khác ông thề sẽ tiếp tục các nỗ lực pháp lý hợp hiến để bảo vệ ý nguyện của người dân. Ông Sufmi Dasco Ahmad, cố vấn pháp lý của chiến dịch tranh cử của ông Subianto, xác nhận sẽ khiếu nại kết quả bầu cử lên Tòa án Hiến pháp.
Hiện Tòa án Hiến pháp đã cho thời hạn 3 ngày để các bên không chấp nhận kết quả bầu cử có thể đệ trình khiếu kiện. Nếu không có, ngày 24-5, Ủy ban Bầu cử Indonesia sẽ chính thức tuyên bố người thắng cử. Trong trường hợp có khiếu nại thì kết quả sẽ được công bố sau khi có kết luận của Tòa án Hiến pháp.
Các nhà phân tích cho rằng chiến thắng với tỷ lệ chênh lệnh 2 chữ số của ông Widodo có nghĩa là phe đối lập không có bằng chứng mạnh mẽ nào để tuyên bố cuộc bầu cử đã bị gian lận, nhưng những người ủng hộ theo đạo Hồi của ông Subianto có thể gây ra sự xáo trộn đáng kể.
Trước đây, các nhóm Hồi giáo, nhiều trong số đó ủng hộ ông Prabowo, đã có thể huy động hàng trăm nghìn người ủng hộ. Từ cuối năm 2016, họ đã tổ chức một loạt cuộc biểu tình chống lại Thống đốc Jakarta lúc đó là Basuki Tjahaja Purnama, người Kitô giáo gốc Hoa đầu tiên nắm chức vụ này và sau đó đã bị bỏ tù vì xúc phạm kinh Koran.
Cho tới nay, Hồi giáo Indonesia vẫn được xem là ôn hòa, thế nhưng, giờ đây các thành phần Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Vai trò và vị trí của Hồi giáo trong xã hội Indonesia là một trong những chủ đề trọng tâm trong cuộc bầu cử lần này, tại một quốc gia được dự báo sẽ là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ tư thế giới từ đây đến một phần tư thế kỷ tới.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Indonesia coi như đã bị phân hóa thành hai phe rõ rệt, theo giải thích của ông Gus Yahya Staquf, Tổng Thư ký tổ chức Hồi giáo ôn hòa Nahdlatul Ulama: “Đang có một lằn ranh phân chia giữa một bên là phe Hồi giáo bảo thủ, cực đoan và bên kia là những người chủ trương một Hồi giáo ôn hòa”.
Nhà nghiên cứu tôn giáo Akhmad Salal, được báo Le Monde trích dẫn, thì bày tỏ: “Điều đáng lo ngại đó là ai cũng phải ve vản thành phần cử tri Hồi giáo cực đoan. Cả hai ứng cử viên tổng thống đều cố chứng tỏ mình là tín đồ Hồi giáo nhiệt thành hơn người kia”.
Trước nguy cơ bạo lực tăng cao trên khắp Indonesia, ngày 22-5, Úc, Mỹ và Anh đã ra cảnh báo du hành và khuyên các công dân của họ tránh xa các cuộc biểu tình.
Theo CAND