Kỳ 1: Quyết tâm sắt đá, đẩy lùi cái nghèo
Xuất phát từ một tỉnh còn nhiều hộ đói nghèo thời điểm tách tỉnh năm 1997, trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, các thế hệ lãnh đạo tỉnh cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn giữ quyết tâm sắt đá, thực hiện quyết liệt các mục tiêu xóa đói, nghèo. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn quốc chỉ duy nhất tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh cũng còn rất thấp. Kết quả này là kết tinh của một quá trình kiên trì xóa đói, nghèo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Nhờ được quan tâm, hỗ trợ sâu sát và liên tục của các cấp, các ngành, hàng ngàn người nghèo, cận nghèo trong tỉnh đã vươn lên ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Nam tham gia tổ liên kết nuôi bò thoát nghèo tại ấp Kiến An, xã An Điền, TX.Bến Cát đã vươn lên thoát nghèo Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Giảm nghèo bền vững
Trong căn nhà khang trang tại khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, ông Nguyễn Bảy Bàng, sinh năm 1959, là một trong những tấm gương thoát nghèo bền vững tại tỉnh Bình Dương. Kể lại một thời cái nghèo đè nặng hai vai, ông Bàng bộc bạch, cực nhất là khi người vợ qua đời, ông phải bỏ nghề lái xe để về nhà chăm ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.
Thấy hoàn cảnh khó khăn của ông Bàng, Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương đã vận động doanh nghiệp nhận ông vào làm việc và miễn giảm học phí, hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho con ông theo học trường nghề. Đến nay, con lớn của ông Bàng đã tốt nghiệp cao đẳng nghề và có việc làm, thu nhập ổn định; còn đứa con thứ hai sắp tốt nghiệp trung cấp nghề. Thu nhập của gia đình ông hiện nay hơn 10 triệu đồng/tháng. Ông Bàng tâm sự: “Nhiều lúc khó khăn quá tôi muốn buông xuôi. Nhưng nhờ được quan tâm sâu sát bằng nhiều chính sách giúp dân thoát nghèo của địa phương đã tạo động lực giúp tôi vượt khó, vươn lên để lo cho các cháu học hành và có việc làm như hôm nay”.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Thành, ở xã An Tây, TX.Bến Cát cũng là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân xã. Anh Thành chia sẻ, trước đây cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, không có vốn làm ăn. Nhờ sự hỗ trợ của các ngành và địa phương cho vay vốn, tạo điều kiện cho gia đình tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; đồng thời với nguồn vốn vay và kỹ thuật được hỗ trợ, gia đình anh đã đầu tư vào chăn nuôi bò. Hiện gia đình anh đang nuôi 10 con bò cái sinh sản và 3 bò đực, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 150 - 170 triệu trồng. Nhờ đó, anh Thành không chỉ thoát nghèo mà còn có sinh kế bền vững.
Chuyện được các cấp, các ngành và địa phương trợ lực đẩy lùi cái nghèo, vươn lên trong cuộc sống như anh Thành hay ông Bàng ở Bình Dương bây giờ rất nhiều, khó có thể kể hết. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011- 2015, Bình Dương có trên 11.000 hộ thoát nghèo, đây là một nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Điều đáng quan tâm là có đến 31 xã, phường, thị trấn và 4 huyện, thị trong toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% trở lên. Theo kết quả điều tra hộ nghèo đầu giai đoạn 2016-2020, Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn rất thấp (1,32% trên tổng số hộ dân toàn tỉnh). Qua đó, Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên và duy nhất của cả nước không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương đến thời điểm này. Đây là một nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong suốt chặng đường dài thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Người nghèo luôn được quan tâm
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khi tách tỉnh năm 1997 Bình Dương còn 904 hộ đói, 14.662 hộ nghèo, chiếm 12% trên tổng số dân toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh thời điểm đó mới đạt 5,8 triệu đồng/năm. 18 năm sau, dọc suốt hơn 50km quốc lộ 13 san sát những nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị quy mô, hiện đại mọc lên. Từ một tỉnh nghèo, nay Bình Dương có TP.Thủ Dầu Một và mở rộng 4 thị xã; Chiến khu Đ xưa nay đã trở thành địa phương nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 gấp nhiều lần so với thời điểm tách tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành quả như hôm nay, đầu tiên phải nói đến là thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt thời gian qua thông qua việc thu hút đầu tư nói chung. Đặc biệt là việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, đến các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều nguồn lực tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trung, vai trò quyết định mang lại thành công hôm nay chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh qua các thời kỳ đối với công tác giảm nghèo với quan điểm “gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội”. Bên cạnh đó, nhờ sự thẩm thấu lâu dài, qua nhiều thời kỳ trong thực hiện chính sách giảm nghèo với quan điểm, chủ trương mang tính bền vững của lãnh đạo tỉnh; sự triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và có chiều sâu của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh.
Có thể nói, người nghèo, người cận nghèo tại Bình Dương qua các thời kỳ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể... Nhờ đó, người nghèo không bị đào sâu khoảng cách, tụt hậu so với tiến trình đổi mới, phát triển kinh tế vượt bậc của địa phương. Ngược lại, người nghèo và cận nghèo trong tỉnh luôn được hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, tiếp cận khoa học - kỹ thuật... để vươn lên trong cuộc sống, cải thiện thu nhập và đóng góp một phần không nhỏ vào sự bứt phá, vươn vai phát triển của Bình Dương hôm nay. Đó cũng là sự thành công lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh nhà.
Vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội
Việc thực hiện các chính sách về giảm nghèo ở tỉnh Bình Dương thời gian qua không phải chỉ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện mà còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và phối hợp triển khai hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Công tác giảm nghèo thời gian qua đã động viên, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Đây chính là bài học sâu sắc nhất qua nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ giảm nghèo qua các phong trào như Ngày vì người nghèo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng Tổ tiết kiệm - tín dụng, Quỹ tín dụng cho người nghèo; chỉ đạo xây dựng các mô hình giảm nghèo; vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới... Mặt trận và các tổ chức thành viên còn tham gia giám sát các hoạt động thực hiện những chính sách giảm nghèo, bảo đảm đúng đối tượng và kịp thời; huy động sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, những tấm lòng nhân ái cùng chung tay góp sức hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của tỉnh là trên 1.050 tỷ đồng; trong đó nguồn đóng góp từ xã hội trên 280 tỷ đồng. Đây là một nguồn lực hết sức quý giá mà cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã góp sức cho công tác giảm nghèo, qua đó thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay.
Kỳ 2: Bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội
KHÁNH VINH