Hiện tượng đột tử ở trẻ là trẻ bị chết đột ngột, bất ngờ dù trước đó khỏe mạnh. Cái chết này thường không thể giải thích được bằng khám lâm sàng, cận lâm sàng, bao gồm cả mổ tử thi. Đột tử thường xảy ra khi trẻ đang ngủ và các bậc phụ huynh không thể hiểu nổi tại sao con mình lại bị chết đột ngột khi đang ngủ như vậy. Theo kết luận của các chuyên gia, đột tử ở trẻ sơ sinh không phải là một căn bệnh mà nguyên nhân do nhiều yếu tố phối hợp gây nên. Bác sĩ Nguyễn Tông Toàn, khoa Nhi, BVĐK tỉnh cung cấp những hiểu biết về hiện tượng này, giúp các bậc phụ huynh phòng ngừa cho trẻ bằng việc tránh những sai lầm khi chăm sóc trẻ không đúng cách dễ dẫn đến đột tử ở trẻ.
Các nguyên nhân gây đột tử thường gặp (thường phối hợp nhiều yếu tố):
1. Viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sổ mũi): khi trời lạnh dễ ngạt thở khi ngủ, ăn.
2. Sốt cao hoặc thân nhiệt hạ đột ngột, làm biến đổi điều hòa nhịp thở. Sốt cao có thể do: nhiễm vi trùng, siêu vi; trẻ bị ủ ấm quá mức; tiếp xúc với nhiệt độ cao, nhiệt độ phòng cao.
3. Trào ngược dạ dày - thực quản: gây hít lượng lớn thức ăn vào đường thở, có thể gây chậm nhịp tim, ngưng thở.
4. Các yếu tố khác như: sơ sinh non tháng, nhẹ cân. Trẻ có dị tật bẩm sinh hay mắc phải, tim bẩm sinh...
5. Trẻ bị ngược đãi
Những nguy cơ dẫn đến đột tử ở trẻ mà các bậc phụ huynh cần biết:
Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị đột tử cao, nguy cơ cao nhất ở trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi. Trẻ có tiền căn sinh non tháng, nhẹ cân hay có bệnh lý hô hấp nặng lúc sơ sinh. Mẹ quá trẻ, mẹ có cơ địa bệnh tâm thần. Nguy cơ đột tử thường xảy ra ở trẻ có thói quen nằm sấp khi ngủ, thời tiết lạnh hay từ nóng chuyển qua lạnh, trẻ nuôi trong môi trường nhiệt độ nóng, giường ngủ không phù hợp như gối cao, nệm và mền quá mềm...
Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau:
Nhịp thở nhanh, bỏ ăn, bỏ bú (bú < 1/2 bình sữa). Trẻ bị rối loạn nặng các thói quen, hành vi như lơ mơ, hôn mê hoặc kích động thường xuyên. Các dấu hiệu kém đáp ứng điều trị trào ngược dạ dày - thực quản như ói hoặc trớ sữa thường xuyên, có các cơn đau co thắt làm trẻ khóc thét từng cơn, khóc về đêm, ói máu. Viêm mũi họng mãn tính, khò khè kéo dài, cơn thở rít. Ho về đêm, viêm phế quản lặp đi lặp lại không sốt. Các cơn mệt lả do nguyên nhân khác làm thay đổi đột ngột màu da, ngưng đột ngột cử động kèm nhìn lên cố định tròng mắt xem như mắt tri giác, cơn mệt lả nguy kịch làm ngưng thở, ngưng tuần hoàn. Đáng báo động hơn nếu các dấu hiệu trên phối hợp, tiến triển hoặc tái đi tái lại, các dấu hiệu trên xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ có tiền căn non tháng nhẹ cân, trẻ nằm sấp khi ngủ.
Biện pháp phòng ngừa
Phòng ngừa các yếu tố gây đột tử có thể giảm 20 - 60% các trường hợp đột tử.
Tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh đều phải ngủ ở tư thế nằm ngửa (tốt hơn tư thế nằm nghiêng). Giường ngủ của trẻ phải có thanh chắc chắn, nệm chắc, không quá mềm, phù hợp kích cỡ giường. Tránh dùng gối, mền quá dày, mền lông. Không để trên giường hay nôi của trẻ những đồ vật như gối, chăn, drap, thậm chí cả thú nhồi bông vì những vật này có thể phủ lên mặt và làm cho bé ngạt thở. Cha mẹ không hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến trẻ.
ĐỨC LÊ (ghi)