Dự án Phát triển doanh nghiệp (DN) bền vững (SCORE) là chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững được Ủy ban Quốc gia về các vấn đề kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ. Dự án đã được áp dụng tại Bình Dương trong 5 năm qua.
Công ty Cổ phần chế biến gỗ Lâm Việt (TX.Thuận An) là một trong những DN tham gia dự án SCORE, mang lại hiệu quả tốt. Ảnh: XUÂN VĨ
Ngành gỗ hưởng lợi
Tại Việt Nam, Dự án SCORE do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp triển khai, với sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành hàng như Hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Lâm sản và chế biến gỗ Bình Định (FPA).
Đại diện Dự án SCORE Việt Nam cho biết, dự án đã triển khai tại Bình Dương được 5 năm. Số DN được hỗ trợ từ dự án này là 130 DN, tập trung vào một số ngành hàng chế biến gỗ, may mặc, cơ khí và thủ công mỹ nghệ. Thông qua triển khai dự án SCORE tại các DN, đã có hơn 45.000 lao động được tiếp cận phương pháp tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và nâng cao năng suất lao động, đem lại nguồn lợi đáng kể cho các DN.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA cho biết, đã có hàng chục DN gỗ của Bình Dương hưởng lợi từ dự án SCORE. Dự án đã giúp đỡ các DN triển khai chiến lược 5S: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng và tìm ra các cải tiến để nâng cao năng suất và chất lượng (kaizen) để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm nhiều chi phí hơn.
Qua thực tế triển khai áp dụng dự án tại các DN gỗ của Bình Dương cho thấy sự thay đổi rõ nét. Thậm chí có DN mặc dù chỉ sử dụng máy móc, công nghệ cũ nhưng vẫn hoạt động rất hiệu quả, chi phí giảm, lợi nhuận tăng cao nhờ tham gia vào dự án SCORE. Cụ thể, khi tham gia dự án SCORE, Công ty gỗ Hiệp Long (TX.Dĩ An) đã tăng năng suất lao động lên 20%, giảm tỷ lệ tăng ca 30%; Công ty Nguyễn Thanh (TX. Thuận An) năng suất lao động tăng 27%, tiết kiệm 50.000 USD mỗi năm; Công ty nội thất Tường Văn (TX.Thuận An) chi phí vận chuyển phôi giảm 44%, tiết kiệm 52.000 USD/năm
Hiện đã có 97% DN gỗ của Bình Dương áp dụng 5S, kết quả có 91% DN tiết kiệm được chi phí sản xuất. Tỷ lệ DN áp dụng các phương pháp cải thiện giao tiếp hiệu quả với người lao động đạt 61%.
Sẽ mở rộng sang các ngành nghề khác
Yếu tố thành công cho dự án SCORE là sự cam kết tham gia của lãnh đạo DN; huấn luyện mở rộng và bắt buộc có sự tham gia của toàn thể thành viên của DN; duy trì hoạt động cải tiến. Lãnh đạo nhiều công ty trên địa bàn tỉnh tham gia dự án cho biết, công ty của họ đã tận dụng tối đa nguồn lực của các chuyên gia tư vấn; sự hợp tác giữa quản lý và người lao động được cải thiện rõ nét; chi phí không cần thiết đã được cắt giảm. Tham gia dự án đã tạo ra áp lực phải thay đổi triệt để đối với nhân viên trong công ty, từ đó khơi dậy nguồn nội lực của DN để tăng năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, điều phối viên dự án SCORE Việt Nam chia sẻ, những thành công ban đầu của dự án khi áp dụng cho các DN tại Bình Dương sẽ là động lực để SCORE tiếp tục hỗ trợ DN trong các ngành, lĩnh vực khác. Năm 2018, dự kiến dự án SCORE sẽ được áp dụng ở các DN may mặc, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp phụ trợ… đang hoạt động tại Bình Dương. Theo ông Thanh, hiện dự án SCORE đang tập trung đào tạo 5 chuyên đề: Hợp tác tại nơi làm việc; quản lý chất lượng; sản xuất sạch hơn; quản trị nguồn nhân lực và an toàn vệ sinh lao động.
Hy vọng, dự án SCORE tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy đối với các DN, nhất là các DN SME tại Bình Dương.
Mô hình đào tạo của dự án SCORE là phần cốt lõi của chương trình. Mô hình này dành cho các DN vừa và nhỏ (SME) nhằm quảng bá việc tôn trọng quyền của người lao động và nâng cao năng suất của DN SME, giúp họ tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu và trình diễn những thực hành tốt nhất của quốc tế trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Mô hình đào tạo của dự án SCORE chú trọng việc phát triển các mối quan hệ hợp tác tại nơi làm việc. Công nhân và cán bộ quản lý cùng tham gia các khóa đào tạo về các chủ đề hợp tác nơi làm việc, quản lý chất lượng, quản lý nguồn nhân sự, vệ sinh an toàn nghề nghiệp. Các chuyên gia trong nước thực hiện những chuyến viếng thăm nhà máy nhằm hỗ trợ DN thực hiện những kiến thức đã học.
XUÂN VĨ