Theo y sĩ Đỗ Thị Ngọc Lộc, Trung tâm Y tế TX.Thuận An: Say nắng, say nóng là hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng cao điểm. Người bị say nắng, say nóng không chỉ mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... mà còn có thể dẫn đến đột quỵ.
Say nắng, say nóng có đặc điểm chung đó là đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi, làm cho cơ thể mất một lượng nước lớn. Hiện tượng này nếu không được bù nước kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn, gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Bệnh nhân say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn ói và tiêu chảy…
Trước một trường hợp say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức. Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Điều quan trọng mọi người cần chú ý là phải có các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng, đó là: Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính; làm thoáng mát môi trường làm việc (đặc biệt là các công xưởng, hầm lò) rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng; thường xuyên uống nước dù chưa khát. Nên uống nhiều nước có pha muối hoặc tốt nhất là uống dung dịch Oresol, nước trái cây; nên định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút.
CẨM LÝ (ghi)