Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nhiều phương thức bán hàng, tiếp thị mới, hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thuận tiện cho người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ. Đồng thời, giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến tay người tiêu dùng.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát chương trình bán hàng bình ổn của Co.opmart Bình Dương
Đẩy mạnh đưa hàng Việt đến với nông thôn và khu, cụm công nghiệp
Hàng năm, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức từ 12 - 15 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các chương trình phiên chợ hàng Việt vừa tạo cầu nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, vừa là kênh để doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng và bán sản phẩm ra thị trường và cũng là nơi để người tiêu dùng tìm hiểu về chất lượng, mẫu mã, chủng loại và trực tiếp phản hồi ý kiến đến các doanh nghiệp.
Trong các hội chợ, hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá… Đây là những mặt hàng được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân vùng nông thôn và công nhân các khu công nghiệp. Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức thành công với 108 phiên chợ tại các khu vực nông thôn và khu cụm công nghiệp với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng; bình quân mỗi phiên chợ có 20 - 25 doanh nghiệp tham gia khoảng 40 - 45 gian hàng với khoảng 12.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Bên cạnh việc bán hàng khuyến mại, giảm giá để phục vụ cho thanh niên công nhân, nhân dân vùng nông thôn, tại mỗi phiên chợ ban tổ chức còn vận động các doanh nghiệp tham gia bán hàng hỗ trợ 30 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và các hộ nghèo với giá trị mỗi phần quà từ 300.000 - 500.000 đồng; phối hợp với các ngành tổ chức chương trình cắt tóc, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, tặng báo xuân, thư pháp, quà lưu niệm, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian hàng đêm, phiên tòa giả định, chiếu phim lưu động, tư vấn cho thanh niên công nhân hiểu biết vềLuật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Hôn nhân và Gia đình...
Hiện nay sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Hàng hóa Việt Nam từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng, vềchất lượng, mẫu mã, giá cả... Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 106 chợ truyền thống phần lớn bán hàng Việt Nam và 7 siêu thị có trên băng rôn tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hơn 80% quầy hàng mang thương hiệu Việt. Công tác bình ổn thị trường đã thực hiện có hiệu quả, các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đủ lượng hàng hóa dự trữ, hệ thống phân phối từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố đều thực hiện tốt.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương: Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Không những thế, thông qua cuộc vận động, còn góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nhiều phương thức bán hàng, tiếp thị mới, hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thuận tiện cho người tiêu dùng trong mua sắm, tiêu dùng hàng hóa - dịch vụ. Đồng thời, giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đến tay người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn; cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng hàng hoá, hạ giá thành để thâm nhập thị trường, nhất là thị trường nông thôn, tạo được sự chú ý và tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nhiều hơn.
Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối nhất là thị trường nông thôn; thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụtrình độ cán bộ được nâng lên, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Ông Dành cho biết: “Chương trình hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bình Dương và các địa phương sau nhiều năm triển khai đã khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn góp phần tạo ra nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng”. Tuy vậy, trên thực tế, tại các địa phương hiện vẫn còn nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, đối tượng sản xuất lại là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc kiểm định vềchất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó. Điều này cũng khiến các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ băn khoăn, khi muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối, tiếp cận với thị trường. Để “nâng tầm” những sản phẩm đặc trưng này, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ chế biến phù hợp, đầu tư về mẫu mã, bao bì để sản phẩm trở nên chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng.
Trong thời gian tới, Sở Công thương với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau phối hợp với Báo Bình Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thực hiện tuyên truyền đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; hưởng ứng chương trình 10 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chân chính; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện kếhoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2019 và kế hoạch bình ổn thị trường sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh năm học 2019-2020.
TIỂU MY