Đừng để trẻ thơ bất hạnh

Cập nhật: 25-11-2020 | 05:41:34

Thời gian gần đây, mặc dù chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chăm lo, giáo dục toàn diện cho trẻ em nhưng vẫn có nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, vô thừa nhận sau khi lọt lòng. Để bảo đảm môi trường phát triển lành mạnh cho thế hệ tương lai, cần lắm sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng và đặc biệt là ý thức những người sinh ra các em.

 Trẻ em cần được chăm lo để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần

 Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Gần đây nhất là vụ bé gái sơ sinh khoảng 10 ngày tuổi bị bỏ rơi tại khu phố 1B, phường An Phú, TP.Thuận An. Theo lời kể của một cán bộ phường, trước đó không lâu, một đứa trẻ đỏ hỏn còn quấn khăn bị bỏ rơi bên đường được một người phụ nữ bắt gặp và đưa vào văn phòng khu phố. Sau khi nhận đứa trẻ, các cán bộ phường An Phú đã thay nhau chăm sóc. Tuy nhiên, người phụ nữ nhặt bé đã làm đơn xin nhận con nuôi để chăm sóc, nuôi dưỡng. Từ năm 2019 đến nay, phường An Phú đã tiếp nhận 5 trường hợp trẻ bị bỏ rơi như thế.

Tháng 8-2020, một bé trai khoảng 5 ngày tuổi được phát hiện bỏ rơi trong công viên Mỹ Phước 2, khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Người dân đã phát hiện cháu bé trong giỏ xách vào lúc sáng sớm và trình báo lực lượng chức năng. Nhận tin báo, đại diện UBND phường Mỹ Phước và công an đãcómặt lấy lời khai nhân chứng và đưa bé đến trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe. Hay trường hợp của sản phụ Hà Thị Hiền, 21 tuổi, quê Thanh Hóa. Sau khi sinh con ở khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Hiền rời khỏi bệnh viện, để lại bé trai. Do không có người chăm sóc nên bé được bệnh viện đặt tên Nguyễn Thành Tâm. Hiện bé đang được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, công chức văn hóa - xã hội phường An Phú, TP.Thuận An, cho biết thời gian gần đây công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường gặp nhiều khó khăn do tình hình tăng dân số cơ học quá nhanh cộng với quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận trẻ em. Trong khi đó, việc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản của bộ phận công nhân lao động đã làm gia tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn của những công nhân trẻ, chưa kết hôn.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trẻ em bị bỏ rơi là vấn đề cần được quan tâm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng để bảo đảm môi trường phát triển lành mạnh cho thế hệ tương lai. Bác sĩ Võ Nguyên Diễm Thy, PhóGiám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết: “Hiện nay, những người mẹ bỏ rơi con thường rơi vào bộ phận người dân ở các tỉnh, thành đến Bình Dương làm ăn, sinh sống. Họ có những hoàn cảnh đặc biệt như: Chưa lập gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn. Do tuổi đời còn trẻ lại sinh con ngoài ý muốn nên các cô gái trẻ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ trong vai trò người mẹ. Cũng có nhiều người do khó khăn trong việc nạo phá thai nên đành chấp nhận sinh con ra. Sau khi sinh lại không có điều kiện nuôi dưỡng nên tìm cách chối bỏ giọt máu của mình”. Bác sĩ Thy đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ, trong đó có những người mẹ, nếu không đủ điều kiện và chưa chuẩn bị tâm lý để có thể sinh và nuôi con thì nên có các biện pháp tránh thai. Nếu đã lỡ có thai, nên đến các tổ chức xã hội như nhà tạm lánh để sinh con đủ tháng, đủ ngày. Nếu sinh con ra mà không thể nuôi thì nên đưa con đến các tổ chức xã hội tiếp nhận trẻ mồ côi, không nên có hành vi hủy hoại đứa trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi vứt bỏ con mới sinh là nhẫn tâm và vi phạm pháp luật. Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nêu rõ: “Những người bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, cố ý bỏ rơi trẻ nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không được sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ tự sinh sống... sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.800 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện. Vì thế, sở đã và đang thực hiện đề án hỗ trợ trẻ em nghèo, trong đó chú trọng vào hệ thống mạng lưới chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng, hỗ trợ các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc trẻ, đương đầu với khó khăn và dũng cảm nuôi con nhỏ”.

 Theo quy định của pháp luật, nếu người mẹ nhẫn tâm bỏ con mới sinh (sinh ra trong vòng 7 ngày) sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu giết con hoặc vứt bỏ con dẫn đến hậu quả trẻ tử vong sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo tình tiết, mức độ, người mẹ có thể còn bị truy tố về tội giết người hoặc vô ý làm chết người theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên