Đừng kỳ thị với người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

Cập nhật: 01-03-2011 | 00:00:00

Trên những con đường, dãy phố, nơi chúng ta đi qua hàng ngày, chắc hẳn bất kỳ ai đều không còn xa lạ với những tấm băng rôn mang thông điệp phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của mọi người, hay dòng chữ chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS được treo khắp nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Trăn trở của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Bà L.T K, mẹ của bệnh nhân bị nhiễm HIV sống tại Phú Mỹ, TX.TDM vừa khóc vừa nói: “Nó là đứa con ngoan, là một người anh tốt, luôn chăm chỉ giúp tôi quán xuyến mọi việc trong gia đình, thế nhưng tôi đâu ngờ căn bệnh oái oăm này lại vướng vào nó. Từ lúc mắc bệnh, nó cứ nhốt mình trong nhà, tôi lo lắm nhưng không biết chia sẻ cùng ai”. Bà đã âm thầm lo cho con suốt 3 năm, chừng ấy năm đã lấy đi biết bao nhiêu giọt nước mắt của người mẹ hiền này.

  Tích cực tham gia lớp tuyên truyền HIV để có biện pháp phòng tránh lây nhiễm nhằm bảo vệ chính mình và gia đình

Hơn 1 tháng trước, tôi có dịp gặp vợ chồng anh N.T.D, tại Tân Uyên, giờ đây, hầu như ai cũng biết chuyện vợ chồng anh D. bị nhiễm HIV. Trong ngôi nhà tạm bợ, chúng tôi nghe được câu chuyện buồn đã xảy ra với anh chị vào năm 2007, khi anh trót một lần lầm lỡ rồi lây nhiễm cho vợ mình. Sau khi biết chuyện, gia đình, hàng xóm đã xa lánh vợ chồng anh, thế nhưng nhờ Ban phòng chống HIV/AIDS đến tận xã tư vấn về căn bệnh này, mọi người đã thông cảm, quan tâm hơn. Anh D. tâm sự: “Mỗi khi trông thấy vợ mình khao khát được ôm những đứa trẻ hàng xóm vào lòng, tôi lại thấy thương vợ và ân hận vô cùng. Tôi hy vọng những bạn trẻ đừng đi theo vết xe đổ của tôi, hãy cẩn thận hơn để bảo vệ mình và hạnh phúc gia đình mình”.

Cũng như nhiều người không may bị nhiễm HIV, anh T.H.V, hiện đang là sinh viên, hẹn gặp tôi tại quán cà phê vì không muốn cho mọi người trong dãy nhà trọ biết về hoàn cảnh của mình. Trong suốt câu chuyện về cuộc đời mình, V. luôn nhắc đến từ “ân hận” khi đã theo đám bạn tiêm chích ma túy lúc mới lớn. Anh kể, những đứa bạn cùng lứa tuổi hầu như ai cũng bị nhiễm và rất nhiều người trong số đó đã ra đi vì căn bệnh HIV/AIDS. Vào Bình Dương học, V. mong muốn làm lại cuộc đời sau những sai lầm đã mắc phải. Anh những tưởng mình sẽ thoát nạn nhưng khi đi khám anh hốt hoảng biết mình bị nhiễm HIV, V. đã cố giấu, nhưng rồi anh hiểu anh phải đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được tư vấn, điều trị nhằm kéo dài cuộc sống để thực hiện ước mơ mình đang nung nấu. 

Ngoài ra, tình trạng kỳ thị này còn khiến những bậc làm cha mẹ phải ngậm ngùi khi những đứa con do mình sinh ra, mang trong người dòng máu nhiễm HIV bị các bạn trong lớp xa lánh. Thậm chí, một số phụ huynh khi biết con mình học chung với các em bị nhiễm HIV đã đề nghị nhà trường cho các em đó nghỉ hoặc họ sẽ cho con mình nghỉ. Anh Đ.D.H, hiện ở Bến Cát cho biết, tuy tôi và vợ bị nhiễm HIV, nhưng con trai tôi lại may mắn âm tính với HIV. Mỗi lần đi học con trai anh đều ngồi khóc và hỏi “con đáng ghét lắm phải không ba mẹ, tại sao bạn bè lại không thích chơi với con”, nghe những câu hỏi đó anh chỉ biết ngậm ngùi, đau xót.

Giải pháp giảm thiểu kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV

HIV/AIDS, một đề tài không mới nhưng vẫn trở nên nóng bỏng, cấp bách bởi số lượng người bị nhiễm ngày càng tăng.  Tại phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã có 1.424 trường hợp nhiễm HIV đang điều trị. Theo đánh giá của Ủy ban Phòng chống AIDS, đối tượng mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở các nhóm di biến động gồm: công nhân xây dựng, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, thanh thiếu niên ngoài trường học, học sinh, sinh viên... Virus HIV đang là mối đe dọa đến tính mạng, hạnh phúc của mọi người.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nguyên nhân của tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử có thể do người dân hiểu biết mơ hồ về các đường lây truyền của HIV, nên có thái độ hoài nghi, lo sợ về việc lây nhiễm HIV thông qua tiếp xúc thông thường hàng ngày với người bị nhiễm. Điều này đã dẫn tới việc người dân áp dụng những biện pháp phòng tránh sự lây truyền không cần thiết và mang nhiều nét kỳ thị. Cũng vì kém hiểu biết và quá chủ quan, nên tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam hiện nay bị nhiễm HIV tăng nhanh một cách đáng sợ. Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh, HIV/AIDS không lây khi ngồi gần nhau, tâm sự hay ăn chung với nhau, thậm chí hôn nhau. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó Trưởng khoa truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương cho biết: “Những ngày đầu làm công tác tuyên truyền, tôi thấy tình trạng phân biệt kỳ thị khá nhiều, thế nhưng với sự nỗ lực cố gắng của Ban tuyên truyền phòng chống HIV, tình trạng kỳ thị đã phần nào hạn chế. Sau những đợt tuyên truyền, chúng tôi có dịp ghé thăm những bệnh nhân nhiễm HIV, cuộc sống của họ đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt họ đã được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của mọi người”. Theo bà Minh, để xóa bỏ hoàn toàn sự kỳ thị, đối xử phân biệt với người bị nhiễm HIV thật sự rất khó, thế nhưng nếu các cơ quan chức năng, báo đài và mọi người cùng chung tay góp sức tuyên truyền, tôi nghĩ mức độ thành công sẽ cao hơn. Bà Minh nói, khi tuyên truyền HIV, cơ quan chức năng cần tuyên truyền kỹ về các vấn đề: Cách phòng nhiễm HIV, phổ biến cho người dân biết HIV không lây khi tiếp xúc thông thường. 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=501
Quay lên trên