Rất nhiều người thích tự dùng thuốc một cách vô tội vạ mà không biết sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đã có vô số trường hợp tử vong từ việc tự dùng thuốc
Khi mắc phải những triệu chứng đơn giản như cảm ho, nhức đầu, tiêu chảy hoặc cơ thể bị nhiễm toan..., bạn sẽ làm gì? Ít có ai chịu đi khám bác sĩ. Có người sử dụng lại những toa thuốc cũ, có người sử dụng thuốc theo kiểu “rỉ tai” từ bạn bè, đồng nghiệp... Thậm chí, một số người lấy lại thuốc cũ đã mua trước đó cho những triệu chứng tương tự mà chẳng màng kiểm tra hạn dùng. Nên nhớ rằng dù có chung một triệu chứng bệnh nhưng căn nguyên bệnh lại khác nhau, cho nên dù cho có triệu chứng tương tự nhưng chữa không đúng gốc thì bệnh vẫn cứ “ăn dầm nằm dề” chứ không hề thuyên giảm.
Nhà thuốc phải luôn có dược sĩ túc trực để tư vấn cho bệnh nhân“Tự xử” như “tự tử”!
Thuốc mà người sử dụng thường “tự xử” là các loại thuốc ngủ. Tự ý sử dụng thuốc ngủ vô cùng nguy hiểm vì thuốc ngủ sử dụng không đúng cách sẽ làm cho tình trạng mất ngủ càng trở nên không kiểm soát được. Do không có thầy thuốc hướng dẫn sử dụng thích hợp nên việc sử dụng bừa bãi thuốc ngủ sẽ dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc thuốc, thậm chí có thể ngủ luôn với “giấc ngủ ngàn thu”.
Sử dụng dược phẩm mà bạn không hoàn toàn hiểu hết về công dụng cũng như tác dụng phụ của chúng sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Đã có nhiều trường hợp người bệnh tự ý mua thuốc và dùng thuốc sau đó phải nhập viện, nhẹ thì bị kích ứng da, nổi mẩn da; nặng hơn thì sốt, hôn mê... Nặng hơn nữa thì bị “đứt bóng”. Nên nhớ rằng mỗi cơ thể khác nhau, không ai giống ai cho dù là những người cùng trong một gia đình. Thuốc có thể “ăn ý” ở người này nhưng có thể là “kẻ phá bĩnh” ở người khác. Chính vì vậy mà bệnh nhân phải cần tới sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, dược sĩ.
Không hẳn chỉ tác động về mặt sức khỏe và tính mạng, sự tự ý dùng thuốc cũng sẽ tác động vào “túi tiền” của bệnh nhân. Bởi vì có một số bệnh, thực ra chỉ cần dùng những loại thuốc đơn giản, rẻ tiền nhưng vô cùng hiệu quả thì bệnh nhân lại nghe theo những lời rỉ tai từ đồng nghiệp, bạn bè, đi tìm mua thuốc “hàng hiệu”. Điều này thật sự không cần thiết, tương tự như việc cắt tiết gà thì không cần đến dao mổ heo. Hơn nữa, dùng thuốc không đúng “hệ” càng làm cho bệnh trở nên lâu bớt. Việc tự dùng thuốc càng vô cùng nguy hiểm khi người dùng tự mua thuốc để điều trị các chứng trầm cảm, lo âu. Khuynh hướng sử dụng thuốc chống lo âu trước ngày thi ngày một tăng trong giới sinh viên, học sinh. Nhiều trường hợp kích động, bạo hành học đường đã xảy ra do học sinh tự dùng thuốc chống lo âu.
Nhiều hậu quả khác
Tự ý sử dụng thuốc còn dẫn đến hậu quả là nghiện thuốc. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng thuốc không hiểu được sự tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, sự tương tác giữa dược phẩm với thực phẩm, rượu bia... Đã có trường hợp một bệnh nhân uống thuốc Aspirin khi bụng đói, hậu quả là xuất huyết bao tử nếu cấp cứu không kịp dễ tử vong.
Những dạng thuốc khác thường được người sử dụng tự ý mua dùng là các loại kem thoa da và lotion. Đừng nghĩ rằng thuốc bôi ngoài da là vô hại bởi vì thuốc sẽ ngấm qua da và đi vào hệ tuần hoàn máu. Trong các loại kem thoa da và lotion có chứa rất nhiều hóa chất vốn là “bạn” ở da người này nhưng lại là “thù” ở da người khác.
Trách nhiệm của nhà thuốc
Nhà thuốc cần phải có dược sĩ túc trực để tư vấn cho bệnh nhân về những loại thuốc không cần có toa bác sĩ. Riêng các loại thuốc bắt buộc kê toa, nhà thuốc cũng phải biết từ chối bán cho khách hàng dù có yêu cầu. Điều này nghe có vẻ khó ở hoàn cảnh giẫm chân lên nhau trong hoạt động hành nghề y dược ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hiểu mạng người là trên hết thì các nhà thuốc nên tuân thủ các quy định về chuyên môn.
Khi có bệnh, cần tập thói quen đi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc. Cũng cần nên giáo dục con cái về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, không uống thuốc theo kiểu “truyền tai” từ bạn bè.
Theo NLĐ